Tử tù về phòng ngủ ngon lành sau khi thực hiện án tử hình bằng tiêm thuốc độc
Tử tù đã thực hiện án tử hình bằng tiêm thuốc độc nhưng sau đó lại về phòng ngủ ngon lành. Hiện vẫn chưa biết đến khi nào cơ quan chức năng mới thực hiện lại bản án.
Một vụ tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc ở Alabama (Mỹ) buộc phải dừng lại khi các nhân viên y tế không tìm được tĩnh mạch ở mắt cá chân, chân và vùng háng của tử tù.
Đêm xử tử tù nhân Doyle Lee Hamm, 61 tuổi, diễn ra kịch tính bắt đầu vào khoảng 18h (giờ địa phương). 3 tiếng sau đó, Tòa án tối cao Mỹ ra lệnh hoãn buổi xử tử và tù nhân được đưa trở lại phòng giam ngay trước nửa đêm 22/2.
Luật sư Bernard Harcourt, người đại diện cho Hamm trong 28 năm, cho biết ông đang tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong buổi tử hình thân chủ của mình.
“Ông ấy chịu rất nhiều đau đớn về thể xác từ tối hôm qua khi các nhân viên y tế cố tìm tĩnh mạch ở các chi dưới và vùng háng của ông ấy”, luật sư Harcourt nói.
Tử tù bị xử bằng tiêm thuốc độc phổ biến ở Mỹ. Ảnh minh họa
Luật sư từng nhiều lần khẳng định, thân chủ của ông, vốn bị chẩn đoán mắc u lymphoma vào năm 2014, không nên được xử tử bằng hình thức tiêm thuốc độc vì tĩnh mạch bị tổn thương nghiêm trọng sau thời gian điều trị kéo dài. Bên cạnh đó, việc tiêm thuốc sẽ khiến thân chủ của ông bị đau đớn và không cần thiết.
So với những hình thức thi hành án tử trong lịch sử như treo cổ, xử bắn... thì tử hình bằng thuốc độc xuất hiện khá muộn, hiện được nhiều quốc gia áp dụng, đặc biệt là Mỹ.
Sở dĩ hình thức này phổ biến ở Mỹ là do ngày 17/01/1888 một bác sĩ người Mỹ tên là Julius Mount Bleyer đưa ra vì hình thức này có chi phí rẻ hơn các hình thức tử hình khác.
Ngày 11/5/1977 bang Oklahoma là tiểu bang đầu tiên áp dụng thử nghiệm phương pháp xử lý tử tù theo cách này khi người kiểm tra y học Jay Chapman đưa ra nghi thức được biết đến là nghi thức Chapman để làm nạn nhân chết một cách nhanh chóng.
Đến năm 2004 thì phương thức này gần như phổ biến ở hầu hết các tiểu bang, trong khi đó EU đã ban lệnh cấm sử dụng hình thức này năm 2011.