Tự sấy một phần thi thể mình trên gác bếp sau thảm họa bom mìn

06-01-2018 09:15:00

Nhiều nơi, vũ khí từ thời chiến tranh vẫn còn vương vãi. Vụ nổ ở Yên Phong, Bắc Ninh khiến cả chục người thương vong đã dấy lên hồi chuông về việc quản lý, thu gom thứ "phế liệu" nguy hiểm này.

Đây là quả tạc đạn mấy chục năm nằm lăn lóc trong vườn của một hộ đồng bào dân tộc ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo người dân địa phương này, việc bom, đạn hiện hữu trong vườn tược, nương rẫy của gia đình họ là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên, sợ hãi. Canh tác thì lựa tay cuốc, tay cày bởi ai cũng biết, lấp ló dưới lớp đất mịn màng là vô khối những vũ khí giết người từ thời chiến tranh để lại. 

Trước đây, bởi đường sá hiểm trở, xa xôi, đám thu mua sắt vụn chưa thể tìm tới nên những vũ khí sát thương này cứ nằm lăn lóc ở góc vườn.

Thỉnh thoảng, những cậu bé ở bản chẳng còn gì vui thì lại bới lên chơi. Nhìn cậu bé thản nhiên cầm quả tạc đạn có thể gây sát thương cho cả bản mà chúng tôi không khỏi rùng mình kinh hãi.

Người ở nơi khác đến thì nhìn những thứ vũ khí giết người hàng loạt này bằng ánh mắt thất kinh nhưng với dân bản địa, chúng chẳng có gì phải sợ.

Ngay tại cánh rừng nằm sát trung tâm xã, bom đạn thời chiến vẫn nằm la liệt nhưng dân bản vẫn vào lấy củi, thả gia súc.

Một quả bom cỡ nhỏ còn gác mình lên thân cây và vẫn còn chưa bong tróc hết lớp sơn bên ngoài.

Dưới mặt đất là 3 quả bom với các kích cỡ khác nhau và không bị thời gian làm hư hại nhiều. Ngay sau khi phát hiện số lượng bom đạn ở xã Tân Trạch, phóng viên đã liên lạc với cơ quan rà phá bom mìn để thu gom.

Còn đây là đống vật liệu nổ mà một hộ dân ở cạnh cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang gom lại từ mảnh nương ngay sau nhà mình. 

Dưới rệ nương là quả đạn pháo dài hơn tới gần 2m. 

Theo người dân địa phương, quả bom này đã yên vị ở đây từ hồi chiến tranh biên giới. Và, ở vùng đất cửa khẩu này, chuyện thương tích do bom mìn gây ra thì như cơm bữa. Nhiều người mất mạng, còn mất chân, tay thì nhiều vô kể.

Ở mảnh đất vùng biên này, thứ mà mọi người sợ nhất ấy là mìn. Đây là loại mìn mà các máy dò kiếm không tìm thấy được vì vỏ được chế từ nhựa tổng hợp. Thường thì người ta chôn thứ vũ khí khủng khiếp này ở độ sâu chừng 10 đến 15cm, mắt thường không thể phát hiện.

Tuy nằm im trong lòng đất nhưng chỉ cần một lực tác động nhẹ là cũng làm những quả mìn trên phát huy uy lực giết người.Người dân địa phương muốn khai phá mảnh nương nào đấy thì việc đầu tiên của họ là lùa đàn gia súc lên khu đất đó. Gia súc sẽ là vật thế mạng nếu khu rừng đó còn mìn. Sau vài tháng, nếu không có vật nuôi nào thiệt mạng thì người dân mới dám đến khai phá, gieo hạt.

Ở Vị Xuyên, Hà Giang, nhiều người đã thành phế nhân vì vật liệu nổ còn vương vãi từ thời chiến tranh.

Đau đớn, có gia đình còn có hai người là nạn nhân của những vụ tai nạn vật liệu nổ kinh hoàng. Đây là hai anh em ông Nguyễn Văn Khắp và Nguyễn Văn Thuuỷ ở xã Phương Tiến. Ông Khắp bị mìn cắt đứt chân phải năm 1991. Ông kể, năm ấy, bởi mưu sinh, ông vào rừng xẻ gỗ. Ma đưa lối quỷ dẫn đường, ông đã vô tình đạp phải mìn. Ông Thủy là em trai ông Khắp, năm 2007, ông Thủy đạp phải mìn khi lên rừng... tìm sắt vụn và cũng bị cắt đứt chân phải. 

 

Người Mông ở biên giới Hà Giang quan niệm, cha mẹ sinh ra thế nào thì chết đi cũng vẫn phải nguyên vẹn hình hài. Bởi thế, nếu ai đó bị tai nạn do vật liệu nổ thì phần thi thể bị cắt đi phải được giữ lại. Cách bảo quản duy nhất của họ là cho lên gác bếp.

Đây là chị Sùng Thị Dính ở xã Minh Tân, huyện Thanh Thủy. Chồng chị Dính, anh Thào Mìn Hoa bị dính mìn từ năm 2006 và bị cụt mất phần bàn chân phải. Theo phong tục, vợ chồng chị đã đưa phần thi thể này lên gác bếp và bảo quản từ đó tới nay. 

Ai cũng khiếp sợ khi tận mắt thấy phần bàn chân đen kịt bồ hóng này nhưng với anh Hoa thì đó là báu vật và khi anh chết đi, gia đình sẽ đặt phần chân đó vào trong quan tài để xuống suối vàng anh được là "con ma" lành lặn.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //