Trâu bò vùng Tây Bắc mặc áo ấm trong giá rét cực độ
Gần đây, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến khu vực Tây Bắc khiến nhiệt độ giảm sâu. Vì vậy, nhiều gia đình đã mặc áo ấm cho trâu bò trong giá rét cực độ.
Trâu bò vùng Tây Bắc mặc áo ấm trong giá rét cực độ
Những ngày này, nhiệt độ ở miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi xuống thấp, lạnh buốt. Để giữ ấm cho gia súc, chủ yếu là bê, dê, nghé, người dân vùng Tây Bắc đã dùng đủ mọi cách, từ lấy áo rét của người mặc cho bê, nghé đến đốt lửa để sưởi ấm cho đàn gia súc..., báo Dân việt đưa tin.
Vợ chồng chị Lá lấy chăn đắp cho trâu bò trong giá rét cực độ.
Chị Lầu Thị Lá - Chi Hội trưởng phụ nữ bản Hua Ty (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) tâm sự: "Từ đầu năm đến nay, chưa có đợt rét nào lạnh như đợt rét này. Sáng nay, vợ chồng tôi phải nhịn ăn sáng để nhóm bếp, lấy chăn, lấy áo giữ ấm cho mấy con bê.
Đây là tài sản quý giá nhất trong nhà đấy. Cái ăn của gia đình đều là nhờ chúng, lạnh thế này nếu chúng chết không biết sẽ lấy gì mua gạo cho vào 5 cái bụng trong nhà"
Chị Máy lấy cả áo phao của người để "mặc" cho con bê còn non nớt.
Chị Vàng Thị Máy - bản Hua Ty, xã Co Mạ lấy cả áo phao của người để "mặc" cho con bê còn non nớt. Chị cho biết, con bê này là cả gia sản của gia đình, nếu bê có chết, thì nhà không biết lấy tiền ở đâu để sống.
Để chủ động phòng chống thiên tai, Cục Chăn nuôi đã thành lập đoàn công tác do ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra và tăng cường chỉ đạo việc phòng chống đói rét cho hơn 160.000 gia súc và gần 4 triệu gia cầm của Lạng Sơn, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin.
Chỉ qua một đêm, nhiệt độ ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, giáp đỉnh Mẫu Sơn tụt xuống - 3 độ C nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy nhiên nhờ chủ động trong việc phòng chống rét cho đàn gia súc nên đến thời điểm này, gần 1.000 con trâu, bò của xã vẫn đủ sức chống chọi với cái lạnh như cắt da cắt thịt.
Cục Chăn nuôi kiểm tra công tác phòng chống rét cho bò ở Lạng Sơn. Ảnh Nông nghiệp VN
Gia đình chị Mông Thị Khê ở bản Tòong Riền của xã có 4 con trâu, hàng ngày chị thả rông ở đồi núi nhưng hay tin đợt không khí lạnh tăng cường, chị đã vội vã thúc giục chồng lùa trâu về chuồng.
"Nhà tôi vừa bán 2 con trâu trai được hơn 30 triệu để lấy tiền sửa sang lại nhà cửa. Giờ còn 4 con nữa là cả gia tài lớn, nếu thả rông ra đồi núi là trâu sẽ chết rét, chết đói ngay. Để chống rét cho trâu, nhà tôi đã quây bạt xung quanh chuồng và chuẩn bị đủ nguồn dự trữ thức ăn cho trâu’’, chị Khê cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Lộc cho rằng: Cao Lộc là huyện thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi có đợt rét đậm, rét hại. Huyện có dãy núi Mẫu Sơn nên nhiệt độ luôn thấp so với các khu vực khác trong tỉnh.
Những ngày này, nhiệt độ ở đỉnh Mẫu Sơn dưới - 3 độ C, các xã đang tích cực phòng chống rét cho gia súc. Trước những năm 2010, do công tác phòng chống đói, rét cho trâu, bò chưa được tốt nên mỗi năm trên địa bàn huyện có hàng nghìn con bị chết.
Từ năm 2014 đến nay, số trâu, bò chết đói rét giảm rất nhiều, chỉ dừng ở con số vài trăm con, chủ yếu là trâu, bò già thải loại, bê nghé con…