Thâm nhập đại công trường "tận thu" cát sỏi trên hồ Núi Cốc

10-01-2018 05:59:01

Được cấp phép nạo vét lòng hồ để tăng dung tích trữ nước cho hồ Núi Cốc nhưng Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt chủ yếu "tận thu" cát sỏi, bán lấy tiền.

Công trường khai thác cát sỏi. Ảnh: Quang Khánh

Năm 2014, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt đuợc UBND tỉnh Thái Nguyên bàn giao Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc tại xóm Bẫu Châu (xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), mục đích của dự án là nạo vét lòng hồ, khơi thông luồng lạch, tăng dung tích trữ nuớc của hồ chứa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều dự án nạo vét lòng sông lòng hồ kéo dài hết năm này đến năm khác, thậm chí đuợc gia hạn nhiều lần nhưng khối luợng nạo vét rất khiêm tốn, luồng lạch cũng không đuợc khơi thông bởi chủ doanh nghiệp chỉ tranh thủ lấy cát chứ không hề nạo vét cả bùn, dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc cũng không nằm ngoài lề.

Nạo vét lòng hồ hay khai thác cát

Tháng 8/2014 UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty Đại Việt thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc với diện tích 1.452 ha, trữ luợng hơn 11 triệu m3 trong thời gian 15 năm.

Tuy nhiên, Công ty Đại Việt lại thực hiện dự án như một công truờng khai thác khoáng sản, nhân dân quanh khu vực lòng hồ, đặc biệt là người dân xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba đã phản đối gay gắt hoạt động "nạo vét" lòng hồ Núi Cốc của Công ty Đại Việt.

Trong vai một người đánh cá đi trên chiếc thuyền ra bãi ngập và khu vực lòng hồ, PV Đời sống Plus đã ghi nhận lại toàn bộ quá trình khai thác cát sỏi núp bóng Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt.

Công ty Đại Việt thực hiện dự án như một công trường khai thác cát sỏi. Ảnh: Quang Khánh

Khi chiếc thuyền của PV tiến ra bãi ngập chừng 500 mét thì phát hiện có máy sàng cát, máy rửa cát, máy rung đuợc đặt trên bãi thải. Tại đây có 3 bãi thải chất ngổn ngang sỏi đá, mỗi bãi rộng khoảng 1000 m2, cao chừng 2 mét so với mặt nuớc.

Tiếp tục đi theo bãi ngập chừng 1 km, phóng viên phát hiện 1 tàu cuốc của Công ty Đại Việt. Chiếc tàu đang múc từng gầu các chất cặn duới lòng hồ lên đổ thẳng vào băng tải rồi chuyển sang thuyền chứa đậu ngay sát đó.

Người lái thuyền cho biết, truớc kia chưa có sỏi đá chất thành đống như thế này. Nhưng từ khi Công ty Đại Việt khai thác cát, họ đổ sỏi đá thẳng xuống lòng hồ thành từng đống, diện tích bãi thải ngày càng rộng lớn. 

Máy móc khai thác cát nằm la liệt giữa lòng hồ. Ảnh: Quang Khánh

Chiếc thuyền xuôi ra giữa lòng hồ, truớc mắt phóng viên là cảnh tượng các máy hút cát công suất lớn đang hoạt động rất náo nhiệt. Tại đây có một chiếc thuyền lớn vận chuyển cát, một chiếc thuyền chứa, và hệ thống tàu hút và sàng cát. 

Tiến lại gần phóng viên thấy máy hút đang hút cát lên máy sàng, bên cạnh máy sàng có một luợng bùn đất, sỏi đá lớn chảy thành dòng tung tóe xuống lòng hồ, nuớc ùng ục sủi lên một màu đen xám, cả một vùng mặt nuớc rộng chừng 1000 m2 đục ngầu.

Khi đã lọc sạch bùn đất và sỏi đá, cát đuợc băng chuyền chuyển lên tàu chứa. Tàu đầy khoang, hàng nghìn mét khối cát đuợc chuyển vào bờ cho các xe tải chở đi nơi khác. 

Mặc dù trên danh nghĩa nạo cải tạo hồ nhưng không có mét khối bùn đất, rác thải nào được hút lên. Ảnh: Quang Khánh

Phát hiện có người chụp ảnh lại quá trình khai thác cát, người đàn ông đứng trên bãi thải không cho phóng viên chụp ảnh rồi quát tháo, xua đuổi thuyền của phóng viên vào bờ. 

Theo bà Dương Thị Lục (Người dân xóm Bẫu Châu) cho biết: "Chúng tôi không hiểu tại sao chính quyền lại cấp phép cho Công ty Đại Việt nạo vét hồ Núi Cốc".

Ngày nào người dân cũng thấy rõ công ty dùng tàu cuốc, máy hút cát, máy sàng khai thác cát sỏi chất từng đống cao như núi rồi bán ra thị truờng. Theo như chính quyền và doanh cho rằng đây là Dự án nạo vét lòng hồ nhằm mục đích tăng dung tích trữ nuớc thì người dân chưa nhìn thấy m3 bùn đất, rác thải nào đuợc doanh nghiệp vớt lên cả.

Bãi thải chất đầy sỏi đá rộng chừng 2.000 m2, cao 2 mét so với mặt nước nằm giữa hồ. Ảnh: Quang Khánh

Khi đã ghi nhận lại toàn bộ sự việc khai thác cát tại bãi ngập tại xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ, phóng viên lại tiếp tục di chuyển quảng đuờng 15 km sang bãi tập kết cát khổng lồ tại xóm Dọc Lầy, xã Phúc Xuân, tp Thái Nguyên của Công ty Đại Việt.

Máy móc hoạt động suốt ngày đêm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: Quang Khánh

Truớc mắt phóng viên là bãi tập kết cát khổng lồ, từng bãi cát cao ngang với một quả đồi nằm chình ình ngay ven hồ.Tại đây có lực luợng bảo vệ luôn túc trực giám sát nghiêm ngặt nên không ai có thể đi vào bãi tập kết trừ công nhân của công ty.

Phóng viên đã phải trèo đồi đi qua đường tắt để ghi nhận lại sự việc tại bãi tập kết. Máy sàng, máy xúc, máy ủi, xe tải hoạt động náo nhiệt không kể ngày đêm, từng xe cát lớn đuợc chuyển đi về huớng Núi Pháo, xe cát nhỏ thì di chuyển nuờm nượp về phía thành phố Thái Nguyên. Cứ như thế, cát đuợc bán ra thị trường không ngừng nghỉ với khối luợng rất lớn.

Bãi tập kết cát khổng lồ cao ngang với một quả đồi lớn của Công ty Đại Việt. Ảnh: Quang Khánh

Được biết, mùa nước lớn thì công ty dùng thuyền, máy hút cát công suất lớn, máy sàng, thuyền chứa ra bãi ngập và lòng hồ để hút cát. Các thiết bị máy móc hoạt động không ngừng nghỉ, tiếng ồn suốt từ sáng đến đêm.

Còn mùa khô thì máy cuốc, máy sàng, xe tải xuống thẳng bãi ngập, đào bới, nạo vét cát ngay tại chỗ. Xe tải cứ nghìn nghịt kéo đến chở cát vàng đi.

Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Ông Dương Công Nghi (1953, người dân xóm Bẫu Châu) cho biết: "Khu vực bán ngập này do người dân khai khẩn từ truớc nằm 1975, dân trong xóm trồng lúa, hoa màu, bắt tôm, đánh cá đều trên bãi ngập, nguồn sống chủ yếu do bãi ngập mang lại.

Nay Công ty Đại Việt về đây khai thác cát phá nát hết bãi ngập, bờ ruộng tan hoang, cát sỏi chất đầy trên mặt bãi khiến người dân mất gần hết diện tích canh tác.

Máy móc của Công ty Đại Việt bỏ lại giữa hồ.Ảnh: Quang Khánh

Truớc đây chúng tôi nhờ có bãi ngập mà đủ ăn đủ mặc giờ đây bãi gập bị phá nát khiến nguồn thu nhập của chúng tôi chẳng còn là bao, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh thiếu việc làm".

Người dân trong xóm Bẫu Châu cho rằng, việc chính quyền bàn giao Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc cho Công ty Đai Việt không khác gì tạo điều kiện cho doanh nghiệp núp bóng duới vỏ bọc thực hiện dự án nạo vét lòng hồ rồi khai thác cát trắng trợn.

Rác thải, dầu thải đổ thẳng ra lòng hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Quang Khánh

Bà Luơng Thị Phẩm (Người dân xóm Bẫu Châu) cho biết: "Doanh nghiệp mang tiếng là thực hiện dự án nạo vét lòng hồ, tăng dung tích trữ nuớc nhưng chẳng thấy họ đào được m2 bùn nào.

Thay vào đó là những bãi cát vàng liên tục đuợc hút lên rồi chuyển đi nơi khác để bán, những bãi thải chất đầy cát sỏi nằm la liệt giữa hồ. Chưa kể thi thoảng cá hồ chết trắng nổi lên lềnh phềnh, trâu uống phải nuớc khu vực ven hồ cũng lăn ra chết. 

Ông Trần Văn Bắc (Người dân xóm Dọc Lầy, xã Phúc Xuân, tp Thái Nguyên) cho biết: "Máy xúc, máy sàng, xe tải hoạt động ngày đêm gây ra tiếng ồn thâu đêm suốt sáng khiến người dân vô cùng khó chịu, khói bụi bay ngập cả một vùng làm cho chúng tôi hết sức khổ sở.

Nước ao nhà tôi bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt, gần một năm nay tôi không hề nuôi đuợc cá. Không những thế, cá ngoài hồ cũng giảm đi hẳn so với trước, nguồn sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề".

Người già như bà Phẩm nhiều đêm mất ngủ vì tiếng ồn của tàu hút cát. Ảnh: Quang Khánh

Ông Phạm Văn Thủy - Chủ tịch xã Lục Ba, huyện Đại Từ cho rằng: "Việc nạo vét lòng hồ của Công ty Đại Việt đã diễn ra 3 năm. Còn trâu bò chết là không có bởi vì nuớc thải tại khu vực tận thu cát không hề ảnh hưởng đến gia súc của người dân, tính tới thời điểm hiện tại thì Công ty Đai Việt không còn hoạt động trên bãi ngập của xóm Bẫu Châu nữa".

Tàu hút cát đang hoạt động tại bãi ngập xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, huyện Đại Từ. Ảnh: Quang Khánh

Khác với những gì ông Thủy nói, những ngày đầu năm 2018, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực bãi ngập xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba các tàu hút cát vẫn hoạt động rầm rộ. Các tàu chỉ cách bờ chừng hơn 100 mét.

Hoạt động "tận thu" cát sỏi diễn ra thoải mái, không hề có cơ quan chức năng nào kiểm tra xử lý. 

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Quang Khánh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //