Tất tần tật về bầu Đức, ông bầu tâm huyết bậc nhất với bóng đá Việt Nam
Đoàn Nguyên Đức không chỉ được biết đến là một doanh nhân thành công bậc nhất Việt Nam mà còn nổi tiếng là một ông bầu tâm huyết với bóng đá.
Đoàn Nguyên Đức (còn gọi là Bầu Đức, sinh năm 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), ông không chỉ được biết đến là một doanh nhân thành công bậc nhất Việt Nam mà còn nổi tiếng là một ông bầu tâm huyết với bóng đá.
Tốt nghiệp cấp 3 hệ 12 năm (năm 1982), Đoàn Nguyên Đức vào Thành phố Hồ Chí Minh thi đại học. Năm ấy, ông Đức thi trượt. Không nản lòng, Đoàn Nguyên Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đậu.
Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác và đạt được những thành công nhất định.
Bầu Đức rất yêu bóng đá. Ảnh: Internet
Năm 1993, Đoàn Nguyên Đức thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku, đến năm 2006, chuyển thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá, công ty liên tục thành công và đem về giá trị kinh tế cũng như thương hiệu cho bầu Đức.
Công ty này bắt đầu niêm yết chứng khoán Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.
Với những thành công liên tiếp trong kinh doanh, ông trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008.
Không chỉ là một doanh nhân nổi tiếng, nhà từ thiện lớn, Đoàn Nguyên Đức còn được biết đến một nhà đại từ thiện, đông thời là ông bầu tâm huyết bậc nhất với bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức là người đầu tiên sở hữu máy bay riêng. Ảnh: Internet
Năm 2001, bầu Đức bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá. Năm 2002, ông trở nên nổi tiếng vì đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamuang về đội bóng của mình.
Nhờ đó đội bóng Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai từ chỗ hạng nhất trở thành đội bóng đá 2 lần vô địch V-League và là một trong những đội dẫn đầu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đồng thời thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Năm 2007, bầu Đức thành lập Học viện bóng đá mang tên Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG để tuyển sinh và đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của Học viện cầu thủ trẻ Arsenal.
Cũng từ Học viện nổi tiếng này, những tài năng trẻ hàng đầu của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn… chính thức bước ra ánh sáng và trở thành trụ cột của U22 cũng như đội tuyển quốc gia.
Công Phượng là một trong những sản phẩm ưu tú của Học viện HAGL Arsenal JMG. Ảnh: Internet
Năm 2015, HAGL của bầu Đức trở thành đội bóng đầu tiên tại V.League, đem lại lợi nhuận từ bóng đá. Với các nguồn thu từ bán vé, quảng cáo hay áo đấu, đội bóng đến từ Tây Nguyên kỳ vọng đem lại khoảng 20 tỷ.
Vào năm 2008, Đoàn Nguyên Đức được xem là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng. Ông đã mời đại tá anh hùng không quân về hưu Nguyễn Thành Trung về lái máy bay riêng cho mình.
Năm 2011, ông chủ của tập đoàn HAGL được WallStreet Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Theo một số thống kê không chính thức, số tài sản bầu Đức sở hữu ở thời điểm hiện tại vào khoảng trên 15 ngàn tỷ đồng, ông lọt tốp những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.