Sáng nay xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản

20-04-2018 07:16:05

Cựu nhà báo Lê Duy Phong, báo Giáo dục Việt Nam bị VKSND tỉnh Yên Bái truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" sẽ hầu tòa vào sáng nay 20/4.


Sáng nay xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản. Ảnh Vietnamnet.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 18/2018TLST-HS ngày 1/3/2018, TAND TP.Yên Bái (Yên Bái) quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự với Lê Duy Phong (SN 22/3/1985, trú Hoàng Liệt, Hoàng Mai, TP.Hà Nội).

Lê Duy Phong bị VKSND tỉnh Yên Bái truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Vụ án được xét xử công khai, phiên tòa được mở vào 8 giờ cùng ngày.

Vụ án này được xét xử bởi thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Đỗ Thu Hương; các Hội thẩm nhân dân: bà Lê Thị Thành, ông Nguyễn Ngọc Hà; đại diện VKSND TP.Yên Bái tham gia phiên tòa gồm hai kiểm sát viên là bà Lê Thu Hằng và ông Hoàng Anh Tuấn cùng một kiểm sát viên dự khuyết.

Trong vụ án này, có 3 người bào chữa cho Lê Duy Phong gồm: ông Nguyễn Văn Kiệm, Chu Mạnh Cường, Nguyễn Sơn Hải.

Bị hại của vụ án có ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái; ông Hoàng Trung Thực - một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Trước đó, ngày 29/3 Công an tỉnh Yên Bái kết luận điều tra vụ cựu nhà báo Lê Duy Phong nguyên trưởng ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam cưỡng đoạt tài sản số tiền 250 triệu đồng.

Theo kết luận điều tra, tháng 6/2017, ông Phong khi đó đang là trưởng Ban Bạn đọc của báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo phóng viên Lê Hữu C. đến Yên Bái để xác minh nguồn gốc và tài sản trên đất của gia đình giám đốc Công an và giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái, Tuổi trẻ đưa tin.

Ông Phong đã nhắn tin vào số máy ông Vũ Xuân Sáng, giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái, đề nghị gặp để xác minh một số vấn đề liên quan đến "dinh thự" của gia đình ông.

Tại cuộc gặp, ông Phong có nhắc đến câu chuyện biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, khi đó là giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh bị đăng trên một số báo vì "ông Quý ngang không chịu gặp báo chí và xử lý không khéo".

Cũng theo kết luận điều tra, do có một báo đã đăng bài với tiêu đề "Dinh thự nguy nga của gia đình giám đốc Sở KH&ĐT Yên Bái" nên ông Sáng có tâm lý hoang mang, lo sợ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự cá nhân.

Thấy ông Sáng lo sợ, Phong đề nghị vị giám đốc này đưa cho mình 200 triệu đồng thì sẽ "giải quyết ổn thỏa và không viết bài về nhà ông Sáng nữa". Ông Sáng đồng ý và đưa trước cho Phong 100 triệu đồng tại phòng làm việc.

Chiều ngày 16/6/2017, Phong tiếp tục gọi và gợi ý ông Sáng đưa nốt số tiền mà hai bên đã thỏa thuận. Ông Sáng đã đi vay tiền và đưa cho Phong thêm 100 triệu.

Cùng ngày, Phong chỉ đạo phóng viên dừng việc tìm hiểu việc liên quan đến "dinh thự" của ông Sáng.

Cơ quan điều tra cũng cho rằng sau khi đưa tiền cho Phong, ông Sáng "bình tĩnh trở lại" nhận thức với cương vị là ủy viên Ủy ban thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc Sở KH&ĐT nên "không thể im lặng". Ông Sáng đã báo cáo với chủ tịch tỉnh và đến Công an TP Yên Bái tố giác việc bị nhà báo Duy Phong cưỡng đoạt 200 triệu đồng.

Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Yên Bái, hồi 12h45 phút ngày 22/6/2017, tại tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, Thành phố Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Yên Bái bắt quả tang phóng viên Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đang nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp. 

Qua đấu tranh khai thác, Lê Duy Phong khai nhận đã lợi dụng cương vị nhà báo đe dọa, yêu cầu các bị hại nộp tiền nếu không sẽ đưa các thông tin bất lợi lên báo chí nhắm chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng...

Ông Lê Thái Hưng, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái cho biết: Vụ án này liên quan đến 42 người, trong đó có 26 phóng viên, nhà báo được triệu tập. Hồ sơ vụ án có rất nhiều nội dung với gần 1.300 bút lục kèm theo, tài liệu liên quan… Hội đồng xét xử sẽ gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm.


Xem thêm: 
Chưa bị kê biên tài sản, ông Thăng sẽ bồi thường 630 tỷ đồng thế nào?

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //