Nỗi niềm người phụ nữ 30 năm chưa được ăn Tết cùng gia đình

15-02-2018 12:00:46

Nỗi niềm người phụ nữ 30 năm chưa được ăn Tết cùng chồng, gắn bó với em nhỏ mang căn bệnh thế kỉ nhưng vẫn vui vẻ, lạc quan.


Nỗi niềm người phụ 30 năm chưa được ăn Tết cùng gia đình 

Hơn chục năm gắn bó với em nhỏ có "H"

13 năm gắn bó với học sinh nhiễm HIV, cô Nguyễn Thị Minh (55 tuổi, ở Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) âm thầm vượt qua mọi khó khăn, sự phản đối, kỳ thị để đồng hành, xoa dịu nỗi đau cho các em ở cơ sở Cai nghiện ma túy số 2.

Cô Minh có thâm niên 39 năm công tác trong nghề sự phạm, gắn bó với học sinh có “H” tại đây cũng khá lâu. Nó đã đọng lại nhiều kỷ niệm khó có thể quên. Hiện tại, cô Minh đang chuyển về phụ trách thư viện Trường Tiểu học của cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 nơi có 19 em học sinh đang theo học.

“Mới đầu vào đây tôi cũng bi quan lắm, bởi các cháu là đối tượng đặc biệt, không những nhỏ tuổi mà còn mang trong mình căn bệnh thế kỉ, khiến nhiều người trong xã hội sợ tiếp xúc và kì thị. Tuy nhiên, được sự đông viên của chồng, đến khi vào gặp các cháu, tôi thấy thương vô cùng. Nguyện suốt đời này tôi sẽ bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ đáng thương này”, cô Minh chia sẻ.


Ngoài giờ học các em nhỏ lại quây quần quanh cô Minh

Theo cô Minh, thời gian đầu vào cơ sở, cô được được đi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, cô Minh dần hiểu hơn về những gì các con đang trải qua, hiểu hơn về cách bảo vệ mình khi tiếp xúc với những người mang “H” và cô thấy gắn bó với các con hơn.

Suốt thời gian gắn bó với các em nhỏ, cô Minh đã nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của từng bé. Bởi gắn bó với các em, cô càng hiểu sâu sắc về những mảnh đời bất hạnh.

Đa số những đứa trẻ ở đây đều bị bỏ rơi. Có em mồ côi bố mẹ từ lúc mới lọt lòng. Có em bị người thân lừa cho ăn no rồi để lạc nơi đầu đường, góc chợ, trở nên bơ vơ, may có người dân địa phương đưa về trung tâm, hay nhiều bé từ bệnh viện chuyển đến, ở khắp các tỉnh, thành.

Cô Minh kể, cô nhớ nhất bé N.V.T. lúc T. mới vào cơ sở khoảng 5 tuổi, thời điểm đó con cũng ở giai đoạn cuối. Nhìn con đau đớn, lăn lộn suốt cả đêm, sau đó 3h sáng con mất. Trước khi mất, con không nói được gì, chỉ đòi ăn, đòi uống.

“Khi con mất, mọi người ở đây cũng nói và mong con được sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhưng số phận con không may mắn, con phải ra đi sớm thì con chọn giờ lành mà đi… Sau đó, con cứ lịm dần trước sự chứng kiến của chúng tôi”, cô Minh buồn bã kể lại.

30 năm chưa về ăn Tết cùng gia đình

Nhớ lại trường hợp của cháu C.P.A. khi vào cơ sở 8 tuổi, nhưng chỉ nặng 7kg cô Minh nói: “Khi vào đây, con đòi ăn cháo trắng, xôi trắng. Người thì gầy, cáu bẩn, lại bị tiêu chảy, chúng tôi phải đi đẽo vỏ cây về tắm kết hợp với thuốc của bác sĩ mới chữa khỏi, sau con khỏe dần dần”.

Kể xong cô Minh bảo, hết tháng đầu, P.A. tăng được 2kg. Lúc đầu, mọi người trong cơ sở nghĩ sẽ đầu hàng, không cứu được cháu, nào ngờ đâu cháu ổn định, khỏe mạnh, giờ xinh như một thiếu nữ.


Các em nhỏ coi cô Minh như người mẹ

Để bù đắp cho các em, cô Minh cũng như các cô khác xem các em như những đứa con ruột của mình. Ngày lễ Tết, các cô xin trung tâm và nhà trường cho học sinh về nhà mình chơi và ăn cơm để các em cảm nhận không khí của gia đình.

“Đến bây giờ các con vẫn phải chịu sự kỳ thị, dù số đó là không nhiều, các con hòa nhập nhưng vẫn chưa thực sự được hòa đồng. Tôi vẫn dặn các con, bác Minh khuyên các con không bao giờ là thừa. Vì khi các con ở Cơ sở được các bác, các “mẹ” chăm sóc nhưng khi ra ngoài xã hội, các con phải lo cho mình từng miếng ăn, giấc ngủ”, cô Minh nói.

Nhắc đến công việc cô Minh luôn vui vẻ, hào hứng là vậy nhưng khi nói đến chuyện gia đình, cô Minh cũng cảm thấy tủi thân. Bởi lẽ, xây dựng gia đình gần 30 năm nhưng chưa năm nào cả hai vợ chồng được ăn Tết cùng nhau.

Chồng cô Minh cũng công tác tại cơ sở Cai nghiện ma túy. Những ngày Tết như thế, phải chia tay các con để vào trực tại ngôi nhà chung của cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, cô Minh thấy buồn nhiều. Nhưng lúc vào đây, được ăn Tết cùng các bé mồ côi, những phận đời nhiễm “H”, cô lại quên đi nỗi buồn ấy. Còn với các con, năm hết Tết đến, các con không khóc vì nhớ nhà, bởi lẽ, từ bé, các con đã là những đứa trẻ không có nhà.

“Tôi gắn bó ở đây với biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, sau này về hưu tôi cũng vẫn muốn ở lại gắn bó với các con, gắn bó với ngôi nhà chung này”, cô Minh tâm sự.

Những câu chuyện chan chứa nước mắt chưa bao giờ nguôi. Tuy vậy, sự ân cần, tận tụy của các cán bộ nơi đây hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh đã sưởi ấm tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho các em chiến đấu với bệnh tật và vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, để sống vui, khỏe, mai này lớn lên thành người có ích cho xã hội.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //