Những món quà quê thành đặc sản mỗi dịp Tết đến xuân về
Những món quà quê tưởng chừng bình dị nhưng lại là đặc sản mang đậm hương vị tết xưa mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cá kho làng Vũ Đại là món quà quê thành đặc sản mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ảnh minh họa.
Cá kho làng Vũ Đại
Trước đây, cá kho là món ăn bình dị, dân dã ở các gia đình nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, cá kho làng Vũ Đại Nhân Hậu, Hà Nam) lại trở thành món hàng “hot” mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cá kho phải là cá trắm đen, nặng từ 3kg trở lên
Thịt gác bếp
Các món gác bếp, đặc sản của người vùng cao cũng là những món ăn rất được người thành thị ưa chuộng mỗi độ Tết đến. Người dân Tây Bắc cũng thường làm các loại thịt gác bếp để sử dụng trong ngày Tết của gia đình.
Mỗi mùa Tết đến xuân về, nhà nhà chuẩn bị tất bật, gom góp gọi nhau mổ lợn, trâu, bò từ sớm để làm lạp xưởng, thịt gác bếp đủ để cả gia đình ăn trước, trong và sau Tết.
Bưởi Diễn
Đây là một trong những loại quả được nhiều người dân ưa chuộng trong dịp Tết. Bưởi Diễn ngọt lịm, mọng nước, được nhiều người săn lùng, vừa để gia đình ăn, vừa để biếu người thân.
Chuối ngự
Người dân thường đến Hà Nam để tìm mua đặc sản chuối Ngự tiến vua. Đây là giống chuối quý, ngon, đẹp thường được nhiều người săn lùng vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chuối tiến vua khác với những loại chuối thường, dáng quả nhỏ, chỉ to bằng hai ngón tay chụm lại. Khi chín, chuối Ngự có màu vàng cam, cuống có màu xanh tươi. Vỏ chuối mỏng, ruột màu vàng đặc trưng và thơm ngào ngạt, ăn có vị ngọt thanh đạm nơi đầu lưỡi.
Bánh in
Là món bánh quen thuộc đối với người miền Trung khi thờ cúng ông bà mỗi dịp lễ Tết, bánh in hiện nay tuy đã có thêm rất nhiều hương vị mới cũng như kiểu dáng phong phú hơn, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống với nguyên liệu chính từ bột nếp.
Bánh măng
Ở cố đô Huế, trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán đều có sự hiện diện của bánh măng. Đây là loại bánh có hình vuông, gói bằng giấy màu bóng kính trong suốt. Tuy nguyên liệu tạo thành đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm nhưng công đoạn thực hiện rất công phu, như người ta vẫn ca ngợi sự tỉ mỉ trong văn hóa ẩm thực xứ Huế.
Măng tre sau khi nướng qua than nóng cho sém vỏ thì được luộc kỹ và dùng lược chải để tơi ra phần thịt non, mềm. Việc nướng măng nhằm giúp khử mùi và giữ được độ thơm, ngọt, trước khi chải và rim thành mứt.
Với bột nếp nhồi măng, chiếc bánh khi hoàn thành phải hòa quyện thành một khối mềm mại, thanh nhã với màu trắng ngà của bột nếp, màu vàng ngà của măng tre và một lớp bột áo trắng tinh vừa đủ phủ bên ngoài.