Khi con dâu, mẹ chồng không chung tiếng nói
Những khúc mắc giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn là những vấn đề nan giải trong nhiều gia đình thời nay.
Mẹ Bằng vốn không chấp thuận cho Bằng yêu Loan mà muốn anh cưới cô giáo viên hàng xóm, nên ngay từ những ngày đầu về làm dâu Loan đã nhủ lòng phải ngoan ngoãn, hiếu thảo với hi vọng được đón nhận. Vậy nhưng mọi nỗ lực, cố gắng của cô dường như chẳng làm mẹ chồng thấu hiểu.
Bằng là bộ đội chuyên nghiệp đóng quân nơi biên giới, nhà chỉ có hai mẹ con nhưng bà luôn tỏ thái độ lạnh lùng, nghiệt ngã, lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ đối với Loan. Loan làm gì cũng bị chê là vụng về, chậm chạp, lơ ngơ. Cô mặc bộ quần áo sáng màu một chút thì bà chì chiết là nhí nhảnh, đua đòi theo lối sống thành thị. Thậm chí ngay cả việc Loan dậy sớm tập thể dục bà cũng thấy ngứa mắt rồi nhiếc móc “ván đã đóng thuyền rồi còn uốn éo cho ma tây nó ngắm à?”.
Bà quản con dâu chặt tới mức ra khỏi nhà phải thưa gửi xem đến nhà ai, có việc gì, mấy giờ về và buổi tối thì tuyệt đối không được rời nhà nửa bước. Chưa dừng lại ở đó, trước mặt người khác bà còn thường xuyên ca ngợi “nàng dâu hụt” xinh đẹp, giỏi giang, dịu dàng, còn Loan thì “chẳng được nết gì…”
Thời gian đầu vì muốn giữ hoà khí, Loan nén lòng chịu đựng song mẹ chồng cứ được thể lấn át cô. Cách hành xử quá quắt của bà dồn Loan vào trạng thái ngột ngạt, căng thẳng, nên người cô cứ gầy rộc đi. Cho đến khi mẹ Bằng viết thư đặt điều, xúi giục con trai rằng Loan lẳng lơ, thiếu đứng đắn khiến Bằng nghi ngờ, căn vặn vợ thì Loan không thể kiềm chế nổi sự nhẫn nhục bấy lâu.
Từ đó Loan trở nên bất cần, không cam chịu như trước nữa. Cô sẵn sàng phản kháng lại mẹ chồng một cách quyết liệt mỗi khi bà đàn áp, xúc phạm. Chính vì vậy những xung đột cứ liên tiếp nổ ra khiến hàng xóm cười chê và Bằng thì đau đầu vì không biết đứng về phía ai.
Trường hợp của bà Phương lại khác. Vốn là một phụ nữ hiền hậu, bao dung, rộng lượng, biết cách cư xử được mọi người xung quanh yêu mến, nể phục. Nhưng kể từ ngày con trai lấy vợ, bà Phương rất mệt mỏi, buồn khổ vì không dung hoà được với nàng dâu.
Chẳng là trước khi lên xe hoa, con dâu bà được mấy cô bạn truyền kinh nghiệm: “Phải tỏ rõ bản lĩnh của mình ngay từ đầu kẻo bị mẹ chồng xỏ mũi đấy. Khác máu tanh lòng nên các bà ấy chẳng thương xót gì mình đâu”. Tấm gương của vài người bạn bị mẹ chồng rẻ rúng khiến Nhung càng hạ quyết tâm phải chứng minh cho bà Phương thấy mình không phải đứa yếu đuối, nhu nhược, dễ bắt nạt.
Các nàng dâu mới thường đảm đang, chu đáo việc bếp núc, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa nhằm chiếm lĩnh thiện cảm từ người thân của chồng thì Nhung hết giờ làm việc vẫn hồn nhiên gặp gỡ bạn bè, đi uống cà phê, xem ca nhạc mà chẳng cần xin phép ai. Sáng nào Nhung cũng dậy muộn hơn mẹ chồng và chẳng đoái hoài tới việc giúp bà chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà chỉ vì một lí do đơn giản: cô có thói quen ăn sáng ở nhà hàng.
Đã vậy trước mặt mọi người Nhung thường xuyên nũng nĩu và có những cử chỉ âu yếm thái quá với chồng khiến bà Phương nhiều lần cảm thấy ngượng ngùng. Nghĩ Nhung còn trẻ người non dạ, bà nhẹ nhàng gọi con dâu lại khuyên nhủ, bảo ban, góp ý với hi vọng Nhung sớm sửa đổi.
Bà chẳng mong bắt con dâu phải hầu hạ, phụng dưỡng mình mà chỉ muốn nó sớm thích nghi với cuộc sống lứa đôi để vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, rồi khi có con cái thì nuôi dạy, chăm sóc cho thật tốt. Song Nhung chẳng những không tiếp thu mà còn cho rằng mẹ chồng soi mói mình nên nằng nặc đòi chồng ăn riêng và ngày càng tỏ ra ngang ngạnh, hỗn láo, xấc xước, chẳng coi ai ra gì.
Cách hành xử của Nhung khiến chồng cô thất vọng, không đồng tình và chính vì thế cuộc sống lứa đôi trở nên thiếu gắn bó, khăng khít. Nhung đâu ý thức được rằng mình đã phụ tấm lòng của một người mẹ nhân từ, hết mực yêu thương con cháu và điều đó ảnh hưởng tiêu cực tới hạnh phúc của chính bản thân cô …
Thiết nghĩ, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu chỉ thực sự hoà hợp, gắn bó khi có sự nỗ lực từ hai phía. Gia đình ấm êm, hạnh phúc sẽ mang lại niềm vui sống cho mọi thành viên và đó cũng chính là nền tảng để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống…