Đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng ở mức cao nhất
Trong kỳ họp 24, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh và ông Đinh La Thăng.
Ngày 23/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 24, dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra đã xem xét kết luận và đề thi hành kỷ luật vi phạm với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; ông Nguyễn Ngọc Dũng, Đội trưởng Đội Điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ 24. Ảnh: UBKTTW.
'Vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh ảnh hưởng xấu tới uy tín tổ chức đảng'
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy việc kiểm điểm và đề nghị thi hành kỷ luật được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và chấp hành nghiêm túc kế hoạch. Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân có vi phạm, khuyết điểm cho rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra là chính xác, khách quan và coi đây là bài học sâu sắc để xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân". Khuyết điểm này đã ảnh hưởng xấu tới uy tín tổ chức đảng và cá nhân bà Thanh.
Do vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng ông Đinh Quốc Thái đã kiểm điểm nghiêm túc, cầu thị, nhận rõ trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự giác nhận hình thức kỷ luật. Ủy ban quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Thái.
Đề nghị kỷ luật mức cao nhất với ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng hầu tòa. Ảnh: TTXVN.
Ủy ban Kiểm tra đề nghị thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ủy ban Kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật mức cao nhất đối với ông Thăng.
Nằm trong danh sách xem xét thi hành kỷ luật của kỳ họp 24 còn có trung tá Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định; nguyên Đảng ủy viên, Phó bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội Điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trong thời gian làm Đội trưởng Đội Điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Plông, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm khi thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ông không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra khi được giao thụ lý điều tra vụ án khai thác rừng trái phép xảy ra tại Lâm trường Măng La, huyện Kon Plông.
Ủy ban Kiểm tra khẳng định vi phạm này của ông Dũng là "nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan công an và cá nhân". Ủy ban quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Dũng.
Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, giải quyết tố cáo 1 trường hợp, tham gia ý kiến về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 1 trường hợp thuộc thẩm quyền Ban Bí thư.
Theo quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm và hướng dẫn thực hiện, đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không xử lý nội bộ; khi bị toà tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ... Quy định 102 nêu 4 hình thức kỷ luật áp dụng đối với đảng viên chính thức gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Mức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. |
Xem thêm: Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại