Chuyên gia tiết lộ cách hồi phục thể lực phi thường của U23 Việt Nam
Theo TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, để hồi phục thể lực hiệu quả như U23 Việt Nam, cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe cả thể chất và sức khỏe tâm lý.
Những ngày vừa qua, U23 Việt Nam tạo nên kì tích khi xuất sắc vượt qua U23 Iraq và U23 Qatar. Để có được chiến thắng thuyết phục này, các cầu thủ phải duy trì sức bền và tốc độ hồi phục thể lực đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo TS.BS Võ Tường Kha, hai trận cầu nói trên khiến cho họ - những vận đông viên - rơi vào trạng thái cạn kiệt về mặt thể lực.
TS.BS Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam
“Với hai trận cầu kéo dài hơn 150 phút chỉ trong vòng bốn ngày, lịch thi đấu dày đặc cùng với áp lực tâm lý, các cầu thủ đã xuất ra lượng vận động cực đại, sức bền của vận động viên bị thách thức đến giới hạn.
Điều này dẫn đến tình trạng cạn kiệt năng lượng dự trữ trong cơ thể của họ, đặc biệt là carbonhydrat rồi đến mỡ bị đốt cháy gần như tối đa cung cấp cho hoạt động thể lực.
Việc duy trì đốt cháy năng lượng quá mức sẽ khiến cho tất cả các yếu tố khác tham gia chuyển hóa năng lượng như: vitamin, enzyme, coenzyme … cùng rơi vào trạng thái tương tự, kéo theo đó là tình trạng mất/rối loạn cân bằng nước và mất điện giải.
Duy trì lượng vận động như vậy cũng khiến cơ thể sản sinh ra các chất chuyển hóa trung gian không có lợi cho cơ thể, nồng độ cao gây rối loạn đến chuyển hóa năng lượng, duy trì sinh lý hoạt động các cơ quan, làm cho cơ thể bị căng thẳng, chuyển sang ức chế trung khu thần kinh, có thể dẫn đến rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động.
Hâu quả có thể gây ra mệt mỏi toàn thân, thậm chí gây ra rối loạn giấc ngủ, đau đầu, dẫn đến rối loạn quá trình hưng phấn hoặc ức chế của thần kinh trung ương, rối loạn dẫn truyền thần kinh cơ.
Lượng vận đồng quá mức, kéo dài sẽ khiến cơ thể bị suy kiệt, gây hậu quả xấu đối với bản thân người vận động và các trận bóng mà đội tuyển tham dự sau này”.
Đội tuyển U23 Việt Nam trong trận đấu với U23 Iraq
Theo TS.BS Võ Tường Kha, với tình trạng cạn kiệt về thể lực, một người cần thời gian nghỉ ngơi với lượng vận động vừa từ 3 ngày tới 1 tuần để hồi phục trở lại.
“Để có hiệu quả hồi phục trong thời gian ngắn đó, điểm mấu chốt là cần phải hồi phục năng lượng, bồi phụ nước, điện giải, thải độc, loại bỏ các sản phẩm chuyển hóa không có lợi khỏi cơ thể.
Trong đó, quan trọng nhất là việc bù đắp lại năng lượng đã tiêu hao hết. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chọn khẩu phần giàu carbonhydrat theo tiêu chí dễ ăn, dễ tiêu, dễ dung nạp để tăng cường dự trữ glycogen trong gan và cơ, tăng cường dự trữ mỡ trong cơ thể
Sau đó, cơ thể phải được bổ sung đủ thành phần vitamin tan trong dầu và tan trong nước và các yếu tố vi lượng, nhằm tái tạo ra enzyme và các co-enzyme để sản sinh năng lượng cho trận đấu, buổi tập tiếp theo.
Song song với đó, chú ý bổ sung nước và điện giải kịp thời để chống rối loạn nước và điện giải trong cơ thể.
Tăng cường uống nước, tăng cường bù nước điện giải còn để thải độc qua đường nước tiểu.
Các biện pháp tăng giải độc, thải ra các chất chuyển hóa trung gian không có lợi bằng còn có nhiều cách như: xoa bóp ngoài da tăng cường tuần hoàn ngoài da, tránh ứ đọng acid lactic, xông hơi hoặc tắm thuốc bắc để đào thải các chất độc ứ đọng trong cơ; cũng có thể sử dụng các thực phẩm chức năng trung hòa các chất độc – chất chuyển hóa trung gian.
Ngoài ra, cần xoa bóp, mát-xa, toàn thân giúp cơ thể thả lỏng, hồi phục cơ, hồi phục để hồi phục tâm thần kinh
Đặc biệt, người vận động, làm việc quá mức cần đảm bảo giấc ngủ đầy đủ. Ngủ tốt thì giúp hồi phục năng lượng, các trung khu thần kinh, dẫn truyền thần kinh được phục hồi cân bằng giữa hưng phấn và ức chế.
Thêm vào đó, cần sử dụng các liệu pháp tâm lý như nói chuyện tâm lý liệu pháp với vận động viên, tập khí công, nhạc trị liệu hay yoga để giúp hồi phục thể lực và tâm thần kinh sớm trở lại bình thường.
Tùy theo điều kiện của địa phương thi đấu, phương tiện có trong tay bác sỹ đội tuyển mà có thể chọn một nhóm hặc nhiều phương pháp trên để giúp cơ thể mới phục hồi ở tốc độ nhanh nhất, trở lại trạng thái sung sức ban đầu”.