Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:57
RSS

YouTube truy quét mạnh tay, hàng loạt kênh lớn ở Việt Nam điêu đứng

Thứ năm, 07/12/2017, 09:17 (GMT+7)

Đây được xem là chiến dịch truy quét mạnh mẽ nhất của YouTube từ trước đến nay tại Việt Nam, gây ảnh hưởng đến một bộ phân không nhỏ cộng đồng làm nội dung trên YouTube.

Trong những ngày vừa qua, YouTube truy quét và khai tử một loạt kênh sau khi có động thái siết chặt kiểm soát nội dung. YouTube đã tiến hành chặn kiếm tiền hàng loạt kênh phổ biến ở Việt Nam đặc biệt là những kênh có nội dung nhảm nhí hoặc liên quan đến trẻ em.

Trên Facebook, Nguyễn Thành Nam (NTN) - một YouTuber rất nổi tiếng tại Việt Nam với 3 kênh Youtube đạt 3 triệu, 1.5 triệu và 800 nghìn subscribers, đã chia sẻ một bức "tâm thư" cho biết: 2 trong số 3 kênh của anh đã bị YouTube tắt quảng cáo.

Điều này đồng nghĩa với việc anh không kiếm được tiền quảng cáo từ hai kênh này nữa. Nguyên nhân của việc này, theo thông tin được Nguyễn Thành Nam trao đổi trực tiếp với đại diện của Google, là do chính sách mới về quảng cáo của YouTube vừa được đề ra sau vụ lùm xùm vừa qua. Cụ thể, YouTube cho phép các nhà quảng cáo có quyền không đặt quảng cáo trên một số video với nội dung nhất định, thuộc về một kênh nhất định nào đó.

YouTube truy quét
Nguyễn Thành Nam và loạt chứng nhận từ YouTube. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Theo anh, "Nội dung ở Việt Nam hiện nay đa số là reup, nhảm, câu view", những nội dung không thân thiện với các nhà quảng cáo. Chính vì vậy, các nhà quảng cáo không muốn quảng cáo của họ xuất hiện trên những nội dung này. "Nhiều bạn vẫn thấy có quảng cáo hiện nhưng đau lòng là doanh thu bạn không có hoặc chỉ có 0.5 %" - Nam viết.

Thành Hưng (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) - thành viên một nhóm làm phim trẻ chuyên sản xuất nội dung đăng YouTube - trao đổi với Zing cho biết sau nội dung dành cho trẻ em thì tin tức giả mạo, kích động, phản động đang là một mảnh đất màu mỡ cho những người muốn kiếm tiền từ YouTube. Những nội dung này thường khơi gợi trí tò mò từ người xem bằng cách đặt tiêu đề và hình ảnh đại diện, cùng những ngôn từ giật gân, câu khách.

YouTube truy quét
Nội dung bị nhận xét là "nhảm" trên kênh của Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Zing

"Không tính đến chuyện những video này có được YouTube trả phí quảng cáo hay không, nhưng việc cho phép những nội dung như vậy xuất hiện công khai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và gây bức xúc cho những người làm nội dung chân chính. YouTube cần phải giải quyết triệt để vấn nạn này", Thành Hưng chia sẻ.

Những YouTuber chân chính còn bức xúc với tình trạng xâm phạm bản quyền tràn lan, được dân trong nghề gọi bằng thuật ngữ "reup". Theo đó, thay vì đầu tư máy móc, chất xám để sáng tạo nội dung, nhiều người chỉ đơn thuần tải về video của người khác, sau đó dùng thủ thuật để qua mặt các công cụ kiểm duyệt, đăng tải ngược lại lên YouTube và ngang nhiên kiếm tiền.

"YouTube có đội ngũ hỗ trợ việc đòi lại công bằng cho người sản xuất nội dung. Tuy nhiên việc này rất tốn thời gian, phức tạp trong thủ tục và không phải lúc nào cũng thành công", anh Lưu Đinh (ngụ Lâm Đồng) - một chuyên gia YouTube - chia sẻ.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN