Thứ năm, 18/04/2024 | 17:13
RSS

Xúc động với hoàn cảnh gia đình được lựa chọn làm IVF miễn phí tại BV Phụ sản Hà Nội

Thứ bảy, 23/06/2018, 07:30 (GMT+7)

Hoàn cảnh của hai vợ chồng vô cùng khó khăn, nếu không có chương trình hỗ trợ miễn phí làm IVF của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chắc không bao giờ anh chị có thể thực hiện mong ước có được một đứa con khoẻ mạnh.

Gia đình được làm IVF miễn phí tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Vợ chồng chị Lò Thị Doan ở Sơn La- 1 trong 3 trường hợp được làm IVF miễn phí tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Thalassemia hay bệnh tan máu bẩm sinh là căn bệnh phổ biến trên thế giới Hiện nay, có tới 7% dân số toàn cầu mang gene bệnh. Riêng tại Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người mang gene bệnh và cứ mỗi năm lại có 2000 trẻ sơ sinh mắc bệnh ra đời. Nhưng thực tế, tại nước ta mới chỉ có khoảng 50% người mắc bệnh Thalassemia được phát hiện và điều trị.

Theo các chuyên gia, người mắc căn bệnh này sẽ phải điều trị cả đời và truyền máu thường xuyên nên vô cùng tốn kém và vất vả. Thấu hiểu những khó khăn đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có một chương trình từ thiện vô cùng ý nghĩa là giúp cho 3 cặp vợ chồng mắc Thalassemia được làm IVF miễn phí với kinh phí lên tới 500 triệu đồng. Đây là chương trình chưa từng có bệnh viện nào thực hiện từ trước tới nay.

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, BS Phạm Thuý Nga- Trưởng khoa Hỗ trợ Sinh sản và Nam học - BV Phụ sản Hà Nội cho biết, mỗi câu chuyện về các gia đình có người mắc Thalassemia lại là một nỗi đau không có hồi kết.

Trong cuộc trò chuyện, BS luôn nhắc đến trường hợp vợ chồng chị Lò Thị Doan năm nay 36 tuổi ở Sơn La) - 1 trong 3 trường hợp được bệnh viện Phụ Sản Hà Nội lựa chọn trong chương trình “Miễn phí 100% làm IVF cho 3 cặp vợ chồng hiếm muộn khó khăn.

Tìm hiểu về gia đình chị Doan, trái tim những người làm báo chúng tôi không khỏi rưng rưng xúc động, cảm thương.

Chị Lò Thị Doan là người dân tộc Thái. Như bao nhiêu người phụ nữ Thái khác, chị đến tuổi kết hôn với một người đàn ông hiền lành và có một gia đình nhỏ hạnh phúc.

Tuy nhiên hạnh phúc ấy ngắn chẳng tày gang khi con đầu của anh chị là cháu cháu Lò Diệp Phương (sinh năm 2003) bị phát hiện mang bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Anh chị chưa từng nghe, từng biết đên căn bệnh này chỉ khi thấy con có biểu hiện bất thường, hay mệt mỏi, xanh xao, không đủ sức đi học thì hai vợ chồng mới đưa con đi khám tại bệnh viện tỉnh. 

Không chỉ mắc bệnh tan máu bẩm sinh, cháu Phương con gái anh chị lại mang nhóm máu hiếm - nhóm máu AB trong khi trong khi bố, mẹ cháu lại lần lượt mang nhóm máu A,B.

Mặc dù được sự trợ giúp từ tình nguyện viên hiến máu nhưng cháu Phương vẫn bị ám ảnh nỗi sợ hãi với những lần tới bệnh viện - nơi cháu phải gắn bó suốt thời thơ ấu của mình.

Nỗi đau chưa dùng lại ở đó với gia đình chị Doan khi năm 2005, chị sinh bé thứ 2 cháu Lò Thị Ngân cũng mắc phải căn bệnh tan máu bẩm sinh quái ác. Cháu Ngân cũng phải tới bệnh viện truyền máu và thải sắt định kỳ.

Nuôi cùng lúc hai con mắc bệnh, anh chị đã bán tất cả mọi thứ có thể để cứu các con. Kinh tế gia đình anh chị không chỉ rơi vào kiệt quệ mà còn nợ nần chồng chất.

Tương lai dường như là thứ quá mịt mờ với gia đình chị. Tuy nhiên một hy vọng mới đã mở ra với gia đình chị. Mong ước về một em bé khoẻ mạnh trước đây quá xa vời nay có cơ hội thành hiện thực khi anh chị được lựa chọn là 1 trong 3 cặp vợ chồng được lựa chọn miễn phí 100% làm IVF tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội .

Gia đình được làm IVF miễn phí tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội 2
BS Phạm Thuý Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ Sinh sản và Nam hoc - BV Phụ sản Hà Nội đang khám và tư vấn cho bệnh nhân

Nói về trường hợp của vợ chồng chị Doan, BS Phạm Thuý Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ Sinh sản và Nam hoc - BV Phụ sản Hà Nội cho biết, trường hợp của chị Doan là hai vợ chồng cùng mang gene bệnh thalassemia. Theo sơ đồ mô tả di truyền bệnh Thalassemia, 25% con sinh ra sẽ mắc bệnh Thalassemia, 50% mang gene bệnh, chỉ 25% không mang gene bệnh. Đây cũng là lý do vì sao 2 cháu con anh chị sinh ra lại đều mắc căn bệnh này.

Thấu hiểu những khó khăn mà gia đình chị Doan gặp phải, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quyết định lựa chọn anh chị là một trong 3 cặp vợ chồng hiếm muộn may mắn được thực hiện chương trình miễn phí 100% chi phí Thụ tinh ống nghiệm (IVF) và Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD).

BS Nga cho biết thêm, những người mắc bệnh Thalassemia có thể không hề có biểu hiện bệnh nhưng lại mang gene bệnh di truyền cho các thế hệ sau. 

Hiện nay nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, với việc chẩn đoán di truyền tiền làm tổ các chuyên gia có thể biết và loại trừ sớm các phôi mang gene bệnh, chọn ra các phôi khỏe mạnh để tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) giúp cho các cặp vợ chồng cùng mang gene bệnh như vợ chồng chị Doan có cơ hội có những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh.


Xem thêm Clip: Mẹo gọi sữa về cực nhanh cho các mẹ mới sinh

La Lan
Theo Đời sống Plus/GĐVN