Thứ năm, 28/03/2024 | 21:13
RSS

Xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hơn 8 tỷ đồng

Thứ sáu, 14/04/2017, 10:40 (GMT+7)

Trong năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra đối với 6 doanh nghiệp; ra quyết định xử lý 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 1,55 tỷ đồng.

Hàng loạt doanh nghiệp đa cấp bị xử phạt

Trong năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.

Trong đó, danh sách 5 doanh nghiệp bị Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt với số tiền lớn nhất trong năm 2016 bao gồm: Công ty cổ phần Liên minh Tiêu dùng Việt Nam; Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam; Công ty Cổ phần Nhượng Quyền Thiên Lộc; Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại trường giang Việt Nam Cả 5 công ty này đều đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Riêng về công tác kiểm tra, trong năm 2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương thành lập với sự tham gia của đại diện Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra hoạt động của 6 doanh nghiệp.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định điều tra đối với 6 doanh nghiệp; ra quyết định xử lý 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 1,55 tỷ đồng, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận của 3 doanh nghiệp; tiếp tục tiến hành điều tra 1 doanh nghiệp.

Tại một số địa phương, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Sở Công Thương cũng tham gia trực tiếp vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Điểm mới trong năm 2016 đó là hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm năm 2016 ở các địa phương được thực hiện với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý liên quan. Tổng số tiền phạt lên tới 6,5 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2015.

Doanh nghiệp bị chính quyền địa phương xử phạt nhiều nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy với mức tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Everrichs, Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam.

Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong năm 2016

Người tham gia còn thiếu hiểu biết

Các hành vi vi phạm phổ biến được Cục Quản lý cạnh tranh phát hiện và xử lý trong năm 2016 bao gồm: vi phạm trong cấp bổ sung, thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp; Quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng; Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp...

Theo báo cáo, năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh và các Sở Công Thương đã phát hiện và xử phạt 17 tổ chức, cá nhân bán hàng theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp Giấy chứng nhận, với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Đáng lưu ý, Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã cấm sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm không phải là hàng hóa nhưng trong năm 2016, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức này để huy động tài chính, mời gọi đầu tư hay để tiếp thị các sản phẩm vô hình như tiền ảo. Đây không phải là hoạt động bán hàng đa cấp như quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, do đó, không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương.

Mặc dù, Bộ Công Thương đã lên tiếng cảnh báo về các hành vi trái pháp luật này nhưng tình trạng huy động tài chính theo phương thức đa cấp vẫn tồn tại dai dẳng, gây bức xúc lớn trong xã hội. Để có cơ sở xử lý các hành vi đa cấp trái phép, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung tội danh "kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp" vào Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi).

Tuy nhiên, thực tiễn quản lý cho thấy trong nhiều vụ việc, thiệt hại phát sinh chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của người tham gia bán hàng đa cấp. Gần như tất cả các đơn khiếu nại mà Cục Quản lý cạnh tranh nhận được đều từ những người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao.

Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.


Theo Dân trí