Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:17
RSS

Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Cựu lãnh đạo BIDV nói gì về 4.700 tỷ?

Thứ sáu, 12/01/2018, 14:24 (GMT+7)

Trong sáng nay 12/1, cựu lãnh đạo BIDV trả lời chất vấn tại tòa và khẳng định không cấp gói tín dụng 4.700 tỷ đồng cho Phạm Công Danh hay Phan Thành Mai.

Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Cựu lãnh đạo BIDV nói gì về 4.700 tỷ?
Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Cựu lãnh đạo BIDV nói gì về 4.700 tỷ?. Ông Đoàn Ánh Sáng đại diện BIDV tại tòa. Ảnh Vnexpress.

Ông Đoàn Ánh Sáng - đại diện BIDV cho biết thời điểm đó, ông Sáng làm Phó Tổng giám đốc BIDV. Ông Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT VNCB đến BIDV Hà Nội gặp lãnh đạo BIDV Hội sở chính đặt vấn đề về việc Danh giới thiệu sang BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).

Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình đế cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV, theo Vietnammoi.vn.

Ông cho biết chỉ gặp ông Danh và ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) trong các cuộc họp về gói 4 nhà chứ không hề có nhận đề nghị vay vốn. "Chúng tôi không cấp gói tín dụng 4.700 tỷ đồng cho ông Danh hay ông Mai" - ông Sáng nói.

Khi chủ tọa hỏi quy trình cho vay có phải là quy trình ngược theo quyết định 1627 hay không. Ông Sáng cho biết đây không phải quy trình ngược do khoản vay lớn nên phải gặp cán bộ lãnh đạo cấp trên. Trách nhiệm của ông là chưa kiểm soát được cấp dưới trong việc quản lý khoản vay.

Khi HĐXX xét hỏi 12 Giám đốc, nhóm bị cáo được Danh thuê làm giám đốc thừa nhận hành vi và bản cáo trạng là đúng. Theo các bị cáo này, các bị cáo chỉ ký chứ không biết nội dung hồ sơ là gì, mục đích như thế nào.

Bị cáo Trần Hiệp - nguyên Thành viên HĐQT VNCB và Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Phong Diệp từng là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo đã ký hợp đồng tín dụng với chi nhánh BIDV Gia định nhưng không xem nội dung. Ông Hiệp nhận thấy đây là sai sót chủ quan, ông không sử dụng khoản vay 430 tỷ đồng và được biết Tập đoàn Thiên Thanh đã trả lại BIDV.

Bị cáo Danh xác nhận lời khai của ông Mai, Khương, Viễn là đúng, tuy nhiên bị cáo muốn nêu thêm lý do tăng vốn điều lệ của VNCB. Bị cáo Danh nhận sai trong hành vi nhưng do có nguyên nhân, bối cảnh mới phải làm.

Ông cho biết VNCB không có nguyên vọng tăng vốn mà đây là yêu cầu của NHNN. Do vướng hạn mức tín dụng, tăng trưởng tín dụng, NHNN yêu cầu không được giảm mà phải tăng vốn. Tại cuộc họp, NHNN phía Nam có lãnh đạo cơ quan lãnh đạo thanh tra NN. Cụ thể là ông Thảo; giám đốc NHNN tình Long An; các Thành viên HĐQT của VNCB.

Bị cáo Phan Thành Mai cho biết, trong cuộc họp, anh Danh xin NHNN chia nhỏ 4.500 tỷ đồng thành nhiều giai đoạn. Nhưng NHNN vẫn bắt buộc tăng vốn, việc tăng vốn nằm trong cơ cấu tái cơ cấu của VNCB. Sau cuộc họp đó, không có văn bản triển khai.

Bị cáo Danh nói "Nếu như NHNN không thúc ép thì chúng tôi thực hiện hành vi sai trái này. Nếu nói về lý thì chúng tôi sai, kinh mong HĐXX xem lại bối cảnh, hoàn cảnh"

Khi xét hỏi Nguyễn Vũ Bảo (nguyên cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định), Bảo cho biết bị cáo không cố ý làm trái vì khi cố ý thì phải biết rõ mục đích. Khi tiến hành kiểm tra thực tế, khi có phê duyệt của hội sở: số tiền cho vay, đối tượng cho vay, biện pháp bảo đảm, giao cho chi nhánh thực hiện kiểm tra, thẩm định khách hàng. Bị cáo có thực hiện nhưng thiếu phần kiểm tra thực tế do bị cáo chủ quan.

Do hồ sơ đã được hội sở chuyển xuống, chủ quan cho rằng hội sở đã đi thẩm định rồi nên chủ quan. Bị cáo không cố ý làm trái, đồng phạm với Phạm Công Danh. Bị cáo đề xuất cấp tín dụng giải ngân chứ không quyết định. Quy trình đề xuất thông thường: BIDV có bản mẫu để làm theo. 

Bị cáo giao cho Nguyễn Vũ Bảo trực tiếp thẩm định hồ sơ, sau đó mới chuyển về cho bị cáo. Bị cáo chịu trách nhiệm xem xét các hồ sơ chứ không để ý các cá nhân như ông Trần Hiệp là thành viên HĐQT VNCB.

Bị cáo thấy bị cáo có sơ xuất khi thẩm định khách hàng, trong quá trình làm hồ sơ bị cáo không có tiếp xúc với Phạm Công Danh, bị cáo không tư lợi cá nhân nên mong HĐXX xem xét cho bị cáo về hành vi “cố ý làm trái”.

Bị cáo Mai Hữu Khương được HĐXX mời lên chất vấn thừa nhận cáo trạng liên quan đến khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV là chính xác. Khương nộp hồ sơ vay vốn của 6 công ty cho BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn; bị cáo Nguyễn Quốc Viễn nộp của 3 công ty cho BIDV, Chi nhánh Gia Định; bị cáo Kiên nộp của 3 Công ty cho BIDV, Chi nhánh Bến Thành.

Khương soạn thảo và ký các Biên bản họp HĐQT VNCB và các Nghị quyết HĐQT về việc đồng ý dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV để cầm cố bảo lãnh cho cho 12 công ty.

Bị cáo Khương khai trong việc lập hồ sơ vay, Khương cùng Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng lập hồ sơ vay vốn của 12 công ty gồm: Phương án vay, đề nghị vay; hợp đồng mua bán đầu vào - đầu ra do Khương, Viễn làm có sự hỗ trợ khi cần của Lưu Trung Kiên; Phan Minh Tùng lập hồ sơ tài chính của 12 Công ty vay (báo cáo tài chính, cân đối kế toán, lưu chuyển tiền tệ.

Số tiền 4.700 tỷ đồng BIDV giải ngân cho vay chuyển khoản vào tài khoản 4 Công ty cung cấp VLXD. Bị cáo khẳng định chủ trương cho vay mua VLXD theo mô hình 4 nhà đối với 12 Công ty là đúng, việc sử dụng khoản tiền vay là sai phạm. Đồng thời, không nhớ người làm thủ tục chuyển tiền, chỉ nhớ chỉ đạo nhân viên làm.

Sau khi có nguồn tiền, 4 Công ty (Quốc Thắng, Thịnh Quốc, Hương Việt, Thiên Trang Phạm) cho chuyển tiếp đến tài khoản nhiều cá nhân là nhân viên của Thiên Thanh mở tại các Ngân hàng: ACB, VCB, BIDV và MSB để chuyển đến tài khoản 3 Công ty: Phong Hiệp, Quốc Thắng, Đại Long, sử dụng cho việc tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) dưới danh nghĩa cổ đông góp vốn mua cổ phần tăng thêm, trả nợ vay Công ty Hải Tiến, trả lãi khoản vay tại BIDV.

Về việc sử dung 4.700 tỷ đồng vay tại BIDV, Khương cho biết 4.000 tỷ đồng được chuyển tăng vốn VNCB; 623,528 tỷ đồng chuyển trả nợ Công ty CP Đầu tư Phát triển Hải Tiến; còn lại 76,472 tỷ đồng sử dụng trả lãi các khoản vay tại BIDV.

Mở đầu phiên xét xử chiều 11/1, vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và đồng phạm, các luật sư tiếp tục tham gia thẩm vấn các giám đốc “bù nhìn” của 4 công ty “ma” của Tập đoàn Thiên Thanh, Vietnamnet đưa tin. 

Bị cáo Nguyễn Ngọc Thái (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh Nhà Quốc Thắng) khai, bản thân vốn là nhân viên bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 3,2 triệu đồng một tháng. 

Cũng theo lời khai của Thái, bị cáo hoàn toàn không biết gì về các khoản vay của công ty, khi văn phòng đưa giấy tờ nhờ ký thì bị cáo ký mà không hề biết đó là hồ sơ vay tiền.

Đặc biệt, bị cáo Nguyễn An Vinh (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Nhất Nhất Vinh) không phải là nhân viên của Thiên Thanh nhưng khi vợ (là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh) về nhờ đứng tên dùm, vì nghĩ tới công việc của vợ nên Vinh đã đứng tên dùm cho công ty “ma” của Phạm Công Danh.

Cũng giống lời khai của bị cáo Thái, Vinh, các giám đốc “bù nhìn” Lê Đài, Lê Duy Lương đều khai được nhờ đứng tên dùm và không biết gì về các khoản vay của công ty do mình đứng tên.

Trước lời khai của các bị cáo, Phạm Công Danh cũng thừa nhận lời khai của các bị cáo là đúng. “Họ không được hưởng lợi gì, số tiền bồi dưỡng 5-10 triệu là tôi tự nguyện đưa cho họ. Tôi không hề ép buộc họ đứng tên giám đốc, bản thân họ vì tin tưởng nên không kiểm tra hồ sơ. Việc làm hồ sơ cho vay tôi không hề che đậy”, bị cáo Danh nói.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN