Thứ tư, 17/04/2024 | 01:38
RSS

Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Bị cáo Danh phân trần tại tòa

Thứ bảy, 13/01/2018, 11:11 (GMT+7)

Bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) phân trần hoàn cảnh phạm tội "do bị cáo bị ép phải làm việc này".

Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Bị cáo Danh phân trần tại tòa
Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Bị cáo Danh phân trần tại tòa. Ảnh Vnexpress.

Trong phiên thẩm vấn sáng 12/1, HĐXX hỏi bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) về nội dung cáo trạng quy buộc ông đã chỉ đạo cấp dưới bằng mọi cách làm hồ sơ không có thật, để 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng của BIDV.

Do các công ty này không hoạt động kinh doanh nên ông Danh dùng tiền của VNCB đảm bảo cho các khoản vay, gây thiệt hại 2.550 tỷ đồng cho VNCB, theo Vnexpress. 

Trước khi trả lời, ông Danh xin phép HĐXX được trình bày ý kiến bổ sung về hoàn cảnh phạm tội lúc đó "do bị cáo bị ép phải làm việc này". Chủ tọa yêu cầu "đi thẳng vào câu hỏi" nhưng ông Danh một mực muốn được nói "vì sức khỏe yếu, nếu không nói sẽ quên".

Theo ông Danh, sở dĩ lúc đó phải làm như vậy vì bị Ngân hàng Nhà nước khu vực phía Nam họp, thúc ép Ngân hàng Xây dựng phải tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng.

Chủ tọa yêu cầu ông Danh chứng minh cuộc họp đó được tổ chức ở đâu, những ai tham gia, biên bản nào thể hiện việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng vốn?

"Cuộc họp được tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực phía Nam ở bến Chương Dương, có Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương, ông Thảo - lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An...", ông Danh nói.

Ông Danh "không nhớ" biên bản triển khai yêu cầu tăng vốn điều lệ trong cuộc họp này nhưng Phan Thành Mai nắm rõ. Bị cáo Mai được gọi lên đối chất. Tỏ ra lúng túng, song ông này cho biết: "Theo cách hiểu của bị cáo có thể xem như là ép, những gì anh Danh trình bày là đúng".

Cựu Tổng giám đốc VNCB cho rằng, trong cuộc họp, ông Danh xin chia nhỏ khoản tiền tăng vốn điều lệ thành 2-3 đợt nhưng không được đại diện Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, mà được yêu cầu "phải tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu".

Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận trong phương án tái cơ cấu VNCB có tăng vốn điều lệ. Thời điểm đó ngân hàng đang trong thời điểm rất khó khăn nên việc tăng vốn điều lệ phải theo từng giai đoạn. Do là "chương trình nội bộ" nên không có văn bản chính thức triển khai.

"Nếu không có văn bản lấy gì chứng minh những gì các bị cáo nói. Tại sao nói người ta ép?", Chủ tọa chất vấn. "Về lý thì đúng như thế. Ngân hàng lúc đó rơi vào tình trạng tăng cũng chết mà không tăng cũng chết", Mai trả lời.

Tòa quay lại thẩm vấn ông Danh. Ông này tỏ ra bức xúc: "Lúc đó Ngân hàng Nhà nước nói với tôi VNCB đang bị âm vốn sở hữu số tiền rất lớn, nên phải tăng vốn điều lệ để tăng khả năng tín dụng. Tôi nói việc âm vốn là do người cũ gây ra chứ không phải tôi. Nếu không đồng ý cho tôi chia nhỏ thành nhiều đợt thì tôi trả lại ngân hàng".

Chủ tọa một lần nữa hỏi "việc làm khống hồ sơ như cáo trạng và lời khai của các bị cáo khác có đúng không?". Ông Danh thừa nhận lúc đó không báo với Ngân hàng Nhà nước về việc bị ép tăng vốn điều lệ nên mới làm khống hồ sơ vay tiền của BIDV.

Tòa thẩm vấn ông Trần Hoài Lâm (cán bộ BIDV thuộc nhóm phụ trách hỗ trợ chi nhánh tại TPHCM) và bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế của BIDV được ngân hàng này ủy quyền đến tham dự phiên tòa), báo Dân trí đưa tin.

Ông Lâm xác nhận các doanh nghiệp do VNCB giới thiệu đến đều có địa chỉ đăng ký tại TPHCM nên cấp trên giao cho ông đề xuất chủ trương cấp tín dụng cho 12 công ty vay tiền. Việc này do lãnh đạo Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV chỉ đạo, sau đó ông Lâm đề xuất cấp tín dụng cho 12 công ty này.

Trên cơ sở BIDV và VNCB tham gia vào chuỗi liên kết 4 nhà mua bán vật liệu xây dựng và sản phẩm cho vay phù hợp với quy định BIDV, thời gian ngắn nên cấp gói tín dụng cho vay. Việc cho vay này phù hợp với quy định của BIDV.

Ngân hàng Nhà nước có quy chế cho vay 1627, quy định cho vay phải có đủ 5 điều kiện trong đó điều kiện chủ chốt là có phương án trả nợ vay.

"Tuy nhiên, phía BIDV khi cho vay đã không biết khách hàng cho vay là ai, phương án trả nợ chưa thẩm định thực tế, phương án kinh doanh chưa có nhưng cho vay. Vậy có đúng hay chưa?"- tòa chất vấn.

Lúng túng, ông Trần Hoài Lâm không trả lời được và xin rút kinh nghiệm!

Tòa hỏi: "Sau khi xem xét toàn bộ giám định của Ngân hàng Nhà nước tất cả những người liên quan cấp tín dụng cho VNCB vay 4.700 tỉ đồng có đúng hay không?".

Bà Phương nói rằng: về quy trình BIDV đã thực hiện đầy đủ và đúng với các quy định của pháp luật quy định về cho vay của BIDV, quy chế cho vay 1627,… Giám định của Ngân hàng Nhà nước cho rằng BIDV có hành vi vi phạm cho vay nhưng không thiệt hại, đại diện BIDV cho rằng có sai sót chứ không phải là vi phạm trọng yếu.

Riêng về ý kiến cho rằng số tiền 4.700 tỉ đồng là do phạm tội mà có được chuyển trả cho BIDV nên cần thu hồi để khắc phục hậu quả, đại diện BIDV biện minh: hết sức nguy hiểm khi nói rằng phải đi xác minh nguồn tiền từ đâu có, khách hàng sẽ không tin tưởng ngân hàng…

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN