Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:41
RSS

Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Bảo vệ, lái xe làm giám đốc

Thứ năm, 11/01/2018, 15:59 (GMT+7)

Trong phiên xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 gây thất thoát 6.000 tỷ tại VNCB, bất ngờ với thông tin nhiều bảo vệ, lái xe được "dựng" lên làm giám đốc.

Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Bảo vệ, lái xe làm giám đốc
Xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Bảo vệ, lái xe làm giám đốc . Ảnh Vietnamnet

Tóm tắt sơ lược phiên xử Phạm Công Danh giai đoạn 2 ngày 9/1

Kết thúc phiên tòa ngày 9/1, Đại diện Viện kiểm soát đã đọc xong bản cáo trạng truy tố ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Kinh tế & Tiêu Dùng đưa tin. 

Trong phiên tòa, Viện kiểm soát đã trình bày 3 hành vi sai phạm chính của ông Phạm Công Danh với vài trò chủ mưu. Thứ nhất, hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.836 tỷ đồng. 

Trong đó, Phạm Công Danh là chủ mưu và 12 bị can là đồng phạm giúp sức cho Danh (gồm cả Trầm Bê và Phan Huy Khang. Có 13 cán bộ quản lý và nhân viên tại Sacombank là người có liên quan không đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Thứ hai là hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng. Ông Danh là chủ mưu và 20 bị can là đồng phạm giúp sức gồm có nhân viên dưới quyền Danh tại VNCB, các giám đốc công ty vay nợ và 2 cán bộ của TPBank.

Đối với Hội đồng tín dụng và Uỷ ban Tín dụng, một số nhân viên thẩm định và nhân viên khách hàng tại TPBank, kết quả điều tra không có tài liệu chứng minh tội đồng phạm với Danh nên không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Thứ ba là hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty gây thiệt hại cho VNCB khoảng 2.551 tỷ đồng. Trong hành vi này, ông Danh là chủ mưu cùng 23 bị can là đồng phạm giúp sức gồm: nhân viên của Danh tại VNCB, 16 giám đốc các công ty vay vốn tại BIDV, 3 cán bộ BIDV Gia Định.

Đối với các đối tượng khác tại VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh, Giám đốc của 12 đơn vị ký hợp đồng với các công ty vay vốn, 22 cá nhân đứng tên mua cổ phần giúp Danh và 64 cán bộ tại BIDV (trong đó có ông Trần Bắc Hà) không đủ căn cứ xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, trong phiên tòa HĐXX đã nhận được đơn xin vắng mặt của bà Hứa Thị Phấn, nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín cùng với giấy tờ bệnh án. Qua đó sức khỏe của bà Phấn chỉ còn 7%, mất 93% nên không đủ sức tham gia phiên tòa.

HĐXX cũng nhận được tất cả những đơn xin vắng mặt tại phiên tòa của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Trong đó có ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã có đơn xin vắng mặt do đang điều trị bệnh ung thư gan tại bệnh viện. Ngoài ra, những người tham gia tố tụng khác cũng vắng mặt với lý do sức khỏe và công tác.

Những người có đơn vắng mặt này đều xin giữ nguyên tất cả lời khai đã khai báo tại cơ quan điều tra để sử dụng cho phiên tòa.

Diễn biến phiên xử Phạm Công Danh giai đoạn 2 ngày 10/1

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm về tội tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong sáng 10/1

Được HĐXX mở đầu bằng việc tiến hành thẩm vấn các bị cáo Phan Thành Mai, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Kim Cẩm Vân, Phạm Hoài Thanh, Vũ Viết Minh Quân, Phan Huy Khang, theo Đời sống & Pháp lý. 

Theo đó, các bị cáo này đều thừa nhận nội dung trong bản cáo trạng mà đại diện VKS đã công bố trước đó. Khi được xét hỏi, bị cáo Phan Thành Mai mong HĐXX xem xét về số tiền thiệt hại hơn 6.000 tỷ của VNCB, có nhiều tài sản đang nằm tại tại ngân hàng có thể khắc phục.

Bị cáo Nguyễn Việt Hà thừa nhận có quen biết Mai nhưng hoàn toàn không biết Mai làm gì, thực hiện các hành vi sai trái thế nào khi làm hợp đồng ủy thác đầu tư của VNCB qua Qũy Lộc Việt. Hà khai Mai gọi điện đặt vấn đề VNCB có nhu cầu cung cấp dịch vụ đầu tư chỉ định đến Tập đoàn Thiên Thanh. Ngoài ra, Mai không chia sẻ thông tin gì khác.

Trả lời HĐXX, Hà cho biết công ty được hưởng phí 1% trên hợp đồng ủy thác (900 tỷ), Hà không tìm hiểu về mặt pháp luật của việc phát hành trái phiếu. Dòng tiền sau đó chuyển vào Qũy Lộc Việt, chuyển đến các công ty rồi từ đó chuyển đến Tập đoàn Thiên Thanh.

Ngoài việc ủy thác, Hà giao cho Nguyễn Kim Cẩm Vân, kế toán quỹ lo thủ tục. Vân soạn thảo các hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Thiên Thanh và Lộc Việt để làm sao tiền chạy về Thiên Thanh. Giao cho Phạm Hoài Thanh kiểm tra năng lực hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh. 

Thanh có báo lại tình hình hồ sơ năng lực của Thiên Thanh có uy tín trên thị trường tốt. Tuy nhiên, HĐXX cho biết tại thời điểm đó Thiên Thanh chưa được phép phát hành trái phiếu cho dự án tại Đà Nẵng. Hà cho biết đây là giao dịch bình thường của công ty quản lý quỹ.

Bên cạnh đó, bị cáo Hà cho biết rằng, ông không hề gặp, không bàn bạc gì với Danh về hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu mà chỉ gặp thoáng qua, chào xã giao 1 lần.

Hai bị cáo Nguyễn Kim Cẩm Vân và Phạm Hoài Thanh trình bày trước tòa rằng, mình chỉ là người làm thuê và làm theo chỉ đạo của lãnh đạo chứ không biết việc ký kết, mục đích công việc cũng như thực hiện việc ủy thác đầu tư như thế nào.

Bị cáo Vũ Viết Minh Quân cho biết chỉ nghe theo lời của Nguyễn Việt Hà và cho rằng chỉ là đầu tư bình thường.

Quân khai chỉ biết đó là nguồn tiền của Quỹ Lộc Việt chứ không hề biết nguồn tiền ở đâu. Lúc ký hợp đồng mua trái phiếu, bị Quân cũng không biết ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh là ai.

Khai tại tòa, bị cáo Phan Huy Khang cho biết, bị cáo chỉ chấp hành theo chủ trương của ông Trầm Bê. Việc cho Phạm Công Danh vay và thế chấp bằng tiền gửi của VNCB thì luật không cấm. Quá trình xem xét, bị cáo thấy ông Danh đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng Sacombank và có lợi ích cho ngân hàng nên bị cáo làm theo chỉ đạo của ông Trầm Bê cho ông Danh vay tiền.

Ngoài các bị cáo trên, HĐXX cũng đã gọi Trầm Bê lên để thẩm vấn. Ông Trầm Bê cho biết, ông có quen biết với Danh khỏang 5 năm trước, lúc đó Bê còn làm việc bên Ngân hàng Phương Nam.

Khi HĐXX hỏi: Danh đang là Chủ tịch HĐQT VNCB vậy sao bị cáo vẫn cho Danh vay tiền?

Ông Trầm Bê cho biết, coi Danh với tư cách là 1 khách hàng chứ không coi là chủ tịch VNCB. Theo ông Trầm Bê, chủ tịch ngân hàng vẫn được phép đi vay của ngân hàng khác, miễn sao không phải ngân hàng của mình, điều đó pháp luật không cấm.

Trong phiên tòa, Trầm Bê tỏ ra khá thoải mái và bình tĩnh khi trả lời các câu hỏi của HĐXX. Tuy nhiên, những lúc nhắc đến hành vi phạm tội thì Trầm Bê lại trở nên nghẹn ngào. Trầm Bê cho rằng, cáo trạng cáo buộc bị cáo có hành vi cố ý làm trái là không thuyết phục, bởi ông không được hưởng lợi gì trong việc này.

Bên cạnh đó, Trầm Bê cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xem xét và trả căn nhà bị kê biên trên đường An Dương Vương (phường An Lạc, Bình Tân). Theo ông Trầm Bê, căn nhà đó không phải của ông mà là của chị gái ông.

Về một căn nhà bị kê biên khác trên đường Hồng Bàng, quận 6, TP HCM, Trầm Bê cũng mong HĐXX xem xét nếu đó không liên quan đến vụ án. “Căn nhà trên đường Hồng Bàng là của vợ chồng bị cáo.

Căn nhà đó không mấy đồng, chỉ có mười mấy tỷ thôi. Nên nếu không có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo thì xin trả lại, cho vợ bị cáo bớt hoang mang, vì sức khỏe bị cáo không tốt”, Trầm Bê trình bày.

Chiều ngày 10/1, HĐXX đã thẩm vấn 6 lãnh đạo các công ty sân sau của Phạm Công Danh. Những bị cáo này được Danh “dựng” lên làm giám đốc cho các công ty của mình. Mặc dù, mang danh làm giám đốc nhưng các bị cáo đều xuất thân từ bảo vệ, lái xe…của Tập đoàn Thiên Thanh, theo báo Vietnamnet.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, các bị cáo đều khai, bộ phận tài chính của tập đoàn Thiên Thanh kêu lên ký các giấy tờ vay vốn. Nhóm bị cáo này khai được Phan Minh Tùng (phụ trách tài chính của tập đoàn Thiên Thanh) ký, còn việc vay được tiền hay không, tiền đó làm gì các bị cáo đều không biết. Nhiều bị cáo còn “tố”, dù mang danh giám đốc nhưng thời gian đầu không hề được nhận một đồng lương nào, gần 1 năm sau mới có người được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng

Bị cáo Lê Duy Lương cho biết, mình xin vào làm lái xe và chưa hề nghĩ sẽ được đôn lên làm giám đốc và khi được lên làm giám đốc, Lương vẫn làm công việc cũ của mình là lái xe. Nói về khoản vay 250 tỷ do công ty mình đứng tên, Lương cho biết khi đang lái xe, được phòng tài chính gọi về ký tên nhưng không biết ký để làm gì. Khi vụ án bị phát hiện, bị cáo được mời lên cơ quan điều tra làm việc mới biết mình đứng tên công ty trên hồ sơ vay 250 tỷ đồng.

“Vì lý do gì mà cùng một lúc chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ không có thật để vay rất nhiều tiền”? chủ tọa Phạm Lương Toản đưa ra câu hỏi. Bị cáo Phạm Công Danh bình tĩnh trả lời, trước mắt tôi nhận sai. Do áp lực rất lớn trong việc trả nợ bà Hứa Thị Phấn nên đã phải làm như vậy. 

Về khoản tiền vay 1.800 tỷ đồng tại Sacombank, Phạm Công Danh xác định cáo trạng cáo buộc mình có hành vi sai trái liên quan khoản vay này là đúng. Nhưng Danh không biết khoản tiền có được sau khi được giải ngân đã làm gì, nhưng chỉ nhớ có trả cho BIDV một khoản, nhưng không nhớ là bao nhiêu tiền.

HĐXX nhắc, sau khi tiền chuyển về tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh, Danh chuyển chuyển trả nợ cho các công ty của mình, ngoài ra còn chuyển về tài khoản cá nhân gần 200 tỷ để sử dụng…Danh thừa nhận dòng tiền đi như vậy là đúng.

“Bị cáo chỉ giao về mặt chủ trương, còn hồ sơ cụ thể thế nào do anh Phan Thành Mai thực hiện, xin HĐXX hỏi anh Mai. Tôi nhận trách nhiệm về những sai phạm, không đùn đẩy trách nhiệm cho anh Mai, nhưng anh Mai là người nắm rõ hơn tôi về khoản vay này”, bị cáo Danh trình bày.

Ông Phan Đình Tuệ (Phó Tổng Giám đốc Sacombank) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Sacombank không thiệt hại gì, vì các khoản vay liên quan đến 1.800 tỷ đã được tất toán, không có khiếu nại, thắc mắc gì từ khách hàng. Số tiền thừa cũng đã được trả lại cho khác hàng.

Tham gia thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh, đại diện VKS hỏi bị cáo có nhớ 2 khoản vay tại Sacombank với tổng số tiền 2.600 tỷ đồng chuyển trả cho BIDV hay không? Bị cáo Danh nói không nhớ, nhưng khẳng định bản thân không hưởng lợi cá nhân mà sử dụng vào các mục đích chung.

Còn bị cáo Phan Thành Mai cho biết khoản vay 2.600 tỷ đồng vay Sacombank để trả nợ cho BIDV tại 2 chi nhánh, trả trước về việc chăm sóc khách hàng của Ngân hàng Xây dựng (trước là ngân hàng Đại Tín).

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN