Thứ tư, 24/04/2024 | 03:49
RSS

Xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh: Tham ô tài sản là có căn cứ

Thứ sáu, 02/02/2018, 12:05 (GMT+7)

Theo quan điểm của VKSND Hà Nội, Trịnh Xuân Thanh phạm tội tham ô tài sản là có căn cứ bị cáo này chiếm đoạt tài sản 14 tỷ đồng.

Xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh: Tham ô tài sản là có căn cứ
Xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh: Tham ô tài sản là có căn cứ. Ảnh Tri thức trực tuyến

Sáng 2/2, phiên tòa xét xử sơ thẩm Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng) cùng 6 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục diễn ra sau 5 ngày tạm dừng, theo Tri thức trực tuyến. 

Lúc 8h15, HĐXX tiếp tục làm việc với phần đối đáp của đại diện VKSND Hà Nội với ý kiến bào chữa của luật sư và các bị cáo. Khi bắt đầu phiên tòa, âm thanh trong phòng báo chí bị mất, chỉ nhìn thấy hình. Sau 10 phút sự việc mới diễn ra bình thường.

Trình bày quan điểm đối đáp với ý kiến luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, VKS nhấn mạnh việc VKSND Tối cao đề nghị truy tố Thanh tội Tham ô tài sản là có căn cứ.

Với phần xét hỏi tại tòa, VKS cho rằng có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh có vai trò chỉ đạo, quyết định chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land, quyết định về giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, thấp hơn mức giá cổ đông quyết định là 52 triệu đồng/m2. Vụ việc đã tạo ra chênh lệch giá để cùng đồng phạm chiếm đoạt trên 87 tỷ đồng.

VKS nhận định: Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định trong việc chuyển nhượng hơn 12 nghìn cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện. Các bị cáo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng biết rõ việc chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn thực tế nhưng tích cực thực hiện để rút tiền chênh lệch, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, theo báo Người đưa tin.

Các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land; biết rõ hành vi lợi dụng việc bán cổ phần để chiếm đoạt tài sản của Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh nhưng vẫn tích cực thực hiện để trục lợi và giúp sức cho các bị cáo này chiếm đoạt được tiền.

Các bị cáo Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thao biết rõ việc PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN với giá thấp hơn thực tế mà Bình và Thoa đã mua, để các bị can khác trong vụ án rút tiền chênh lệch chia nhau chiếm đoạt. 

Tuy nhiên, các bị cáo đã đồng tình thực hiện, chuyển 49 tỷ đồng trong số tiền ngoài hợp đồng cho các bị can để Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng chiếm đoạt được tiền của Nhà nước.

Như vậy, với những căn cứ lập luận như trên, VKS có đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa đã đồng phạm giúp sức cho hành vi phạm tội Tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh và Đặng Sỹ Hùng là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật đúng người, đúng tội.

Sau phần đối đáp của VKS, bị cáo Đinh Mạnh Thắng trình bày trong việc này, bị cáo không phải là người chủ động, bị cáo chỉ là người giới thiệu Hương với Thanh và Bảo Thanh giúp đỡ Hương, việc chuyển nhượng cổ phần bị cáo không biết nên mong HĐXX xem xét hành vi của bị cáo, để đưa ra mức xử phạt nhẹ hơn.

Trong phần này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh vẫn khẳng định mình vô tội. “Kết luận bị cáo phạm tội tham ô cùng cái án chung thân là hết sức vô lý”, bị cáo Thanh nói.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN