Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:39
RSS

Xét xử vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2: Làm rõ số tiền 4.500 tỷ đồng

Thứ hai, 15/01/2018, 14:33 (GMT+7)

Sáng nay 15/1, HĐXX tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh. Tại phiên tòa, luật sư đã đặt câu hỏi về số tiền 4.500 tỉ đồng hiện đang nằm đâu, sử dụng thế nào?

Xét xử vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2

Bị cáo Phạm Công Danh

Về khoản tiền 4.500 tỷ đồng (chủ yếu vay từ BIDV, trong tổng số tiền vay 4.700 tỷ đồng) trước đó các bị cáo: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương đã trả lời các câu hỏi liên quan đến số tiền bày.

Theo các bị cáo, số tiền này không bị thất thoát, không bị mất đi mà nó vẫn còn tồn tại và đang hòa vào dòng tiền chung của Ngân hàng CB.

Tại phiên tòa sáng nay, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang đã đặt câu hỏi về số tiền 4.700 tỷ đồng hiện đang nằm đâu với đại diện Ngân hàng CB. Luật sư Trang thông tin, tại phiên tòa các bị cáo đã khai nhận số tiền 4.700 tỷ đồng được dùng vào 3 mục đích, đó là tăng vốn điều lệ cho VNCB, trả nợ cũ cho Ngân hàng Đại Tín và chi trả tiền chăm sóc khách hàng.

Vậy, dòng tiền này giờ nằm đâu?  Đại diện Ngân hàng CB cho rằng câu hỏi của luật sư quá nhiều, đề nghị tách ra. Vị đại diện ngân hàng này thông tin số tiền đã sử dụng hết, thời điểm nào thì không nhớ cụ thể mà chỉ biết rằng hết trước ngày 5/3/2015.

“Tức số tiền đó cho đến thời điểm khởi tố vụ án đã sử dụng hết, hôm nay trả lời ngắn gọn đã dùng hết chưa?”, luật sư Trang nêu. Đại diện CB cho rằng trong tổng hơn 13.000 tỷ đồng tiền mặt tại thời điểm khởi tố vụ án, có kê rõ các khoản tiền sử dụng như thế nào.

Trước câu trả lời của đại diện CB, chủ tọa phiên tòa yêu cầu phải trả lời cụ thể xem số tiền này hòa vào dòng tiền nào tại ngân hàng, đã sử dụng vào mục đích gì, thời điểm trước ngày 26/7/2014 ngân hàng còn bao nhiêu tiền, đến ngày 5/3/2015 ngân hàng còn bao nhiêu…?

Các câu hỏi này đại diện Ngân hàng CB không trả lời được tại tòa và xin được trả lời sau. Đại diện Ngân hàng CB cho biết, cần phải xem xét lại số liệu cụ thể và hứa sẽ giải đáp các vấn đề này vào chiều mai (16/1).

Cũng liên quan đến câu hỏi này, tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Phan Thành Mai một lần nữa khẳng định số tiền để tăng vốn điều lệ Ngân hàng VNCB là 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng. Trước đó, tại phiên tòa chiều 13/1, bị cáo Phạm Công Danh trả lời luật sư rằng thời điểm đó ông chịu sức ép lớn từ tăng vốn điều lệ và phải tìm mọi cách để cứu ngân hàng.

Ông cũng nhiều lần đề nghị được xem xét đối trừ 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ để trừ trong phần thiệt hại tại VNCB. Bởi theo ông, khoản tiền này đều hòa chung dòng tiền ngân hàng nên cần được cấn trừ trong tổng thiệt hại của VNCB.

Còn cáo trạng nêu số tiền 4.500 tỉ hòa vào dòng tiền chung của VNCB. Một phần số tiền này, VNCB đã sử dụng vào việc trả cho NHNN 400 tỉ đồng và ghi nợ 2.550 tỉ đồng là số tiền thiệt hại mà ông Phạm Công Danh đã gây ra cho VNCB trong gói vay 4.700 tỉ đồng tại BIDV.

Trong khi đó, luật sư của ông Danh có kiến nghị gửi toà về số tiền này. Theo đó, sau khi VNCB chuyển toàn bộ số tiền 4.500 tỉ đồng về NHNN để tăng vốn điều lệ thì NHNN đã có văn bản không chấp nhận việc tăng vốn điều lệ của VNCB.

Như vậy, đối với khoản tiền này vẫn thuộc sở hữu của ông Phạm Công Danh, VNCB phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền gốc 4.500 tỉ đồng và lãi suất từ thời điểm đó đến nay với tổng số tiền.

Trả lời luật sư Võ Đan Mạch, bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng Ban Kiểm soát VNCB) có ký vào 12 biên bản họp HĐQT để Phạm Công Danh sử dụng 12 công ty lập hồ sơ vay vốn 4.700 tỉ đồng từ BIDV.

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định hành vi của Nguyễn Quốc Viễn đã gây thiệt hại hơn 4.300 tỉ đồng cho VNCB, Viễn đề nghị tòa xem xét thu hồi khoản tiền 4.500 tỉ đồng đang "treo" ở CB để khắc phục hậu quả.

Trước đó, tại phiên tòa chiều 14/1, đại diện CB từ chối trả lời câu hỏi liệu có trả lại cho ông Phạm Công Danh số tiền này cùng với lãi phát sinh để ông Danh khắc phục hậu quả hay không.

Theo đại diện CB, việc liên quan đến số tiền 4.500 tỉ đồng thì nên hỏi cơ quan chủ quản của CB là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới có câu trả lời chuẩn xác.

Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Phạm Công Danh) muốn chất vấn cán bộ cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Về vấn đề này, chủ tọa phiên tòa cho biết tòa không triệu tập Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên tòa có triệu tập một người tại thời điểm đó là cán bộ cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Anh Quân
Theo Đời sống Plus/GĐVN