Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:46
RSS

Vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang: Còn chấm thi ở tỉnh sẽ có lỗ hổng?

Thứ ba, 17/07/2018, 11:12 (GMT+7)

Rõ ràng, sau vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang được phát giác, nhiều người đã nhận ra lỗ hổng trong khâu chấm thi ở địa phương.

Theo báo Thanh Tra, những ngày qua, dư luận "dậy sóng" sau khi tỉnh Hà Giang công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018 với hàng loạt bất thường.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 76 thí sinh thi khối A1 (Toán - Văn - Tiếng Anh) đạt 27 điểm trở lên thì Hà Giang có tới 36 em (chiếm 43,37%). Đáng nói là số thí sinh cả nước gấp 170 Hà Giang.

Điều bất thường tiếp diễn ở môn Vật Lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9, 10 và có 28 bài đạt 8, 9 điểm. Tức số thí sinh đạt điểm 9, 10 gấp đôi số thí sinh đạt điểm 8, 9.

Bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020. Như vậy, ít nhất trong 2 năm tới, cách thi "2 trong 1" này vẫn được duy trì. Trước khi Bộ GD&ĐT có tổng kết và đưa ra phương thức mới, dư luận xã hội lo lắng, với cách chấm thi, coi thi giao cho địa phương chủ trì như hiện nay chính là "lỗ hổng" cho tiêu cực xảy ra.

Vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang: Còn chấm thi ở tỉnh sẽ có lỗ hổng?
Điểm thi bất thường ở Hà Giang hé lộ sai phạm trong công tác chấm thi ở tỉnh này. Ảnh: VTV

Để giải bài toán trên, lãnh đạo các trường cho rằng, cần đưa về Bộ GD&ĐT chấm, hoặc giao cho các trường ĐH. Đại diện lãnh đạo 1 trường ĐH ở Hà Nội cũng cho rằng: Nên đưa về cho Bộ GD&ĐT hoặc các trường ĐH chấm chứ nếu giao tỉnh nào chấm tỉnh ấy rất dễ có "lỗ hổng".

Ông Đào Tuấn Đạt - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) phân tích, với môn trắc nghiệm thì chỉ cần một cái tẩy với một cây bút chì, có thể dễ dàng và đủ để nhanh chóng thay đổi các đáp án đã chọn. Sau đó, máy chỉ việc quét theo đúng đáp án. Như vậy, kể cả có thanh kiểm tra khâu chấm cũng khó mà phát hiện bởi bài thi theo giấy trắng, mực đen.

"Quy trình dù có chặt chẽ nhưng nên nhớ nó được vận hành bởi con người. Chấm trắc nghiệm bằng máy nhưng đừng quên con người vận hành cái máy ấy" - ông Đạt nhấn mạnh.

Trao đổi với Dân trí, một cán bộ ở Bộ GD&ĐT cho biết, phần mềm quản lý chấm thi của Bộ GD&ĐT rất chặt chẽ. Các địa phương, cập nhật từng khâu chấm thi như quét ảnh, đọc ảnh như thế nào? Sửa chữa, cập nhật lại như thế nào? Phần mềm quản lý chung đều lưu lại các lần cập nhật đó nên sẽ dễ dàng kiểm soát được từng pha trong khâu chấm thi.

Công tác kiểm tra kết quả thi "cao bất thường" ở Hà Giang, Bộ GD&ĐT, công an đang phối hợp với địa phương được tiến hành chặt chẽ, sẽ chấm lại các bài thi trắc nghiệm ở Hà Giang.

Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện theo 4 pha sau:

Pha 1. Quét ảnh

Dùng máy quét ảnh (Scanner) tốc độ cao quét các bài thi theo từng lô đưa vào các thư Mục chứa ảnh.

Pha 2. Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh)

Xử lý ảnh để đọc các thông tin từ ảnh như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, xuất báo cáo Bộ giáo dục và Đào tạo về trạng thái ban đầu của bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (Đĩa CD1).

Chú ý: Sau khi xuất đĩa CD1, nội dung đã xuất này sẽ được giữ nguyên, kể cả trong trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD2.

Pha 3. Sửa lỗi của thí sinh

Thực tế thống kê, có Khoảng 1 % thí sinh mắc lỗi như:

- Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được.

Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.

- Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.

- Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.

- Có những lỗi do quét bài như để gấp Phiếu trả lời trắc nghiệm, sai mặt Phiếu, làm Phiếu bị biến dạng.

Những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra. Phần mềm phải phát hiện tất cả các lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động. Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Pha 4. Chấm bài thi

Sau khi thực hiện xong ba pha trên, Hội đồng thi mới được sử dụng đáp án do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra Đĩa CD2 để báo cáo Bộ.

Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì Phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4 này.


Xem thêm: Sân Hàng Đẫy chìm trong pháo sáng, CĐV Nam Định tràn xuống sân

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN