Thứ ba, 23/04/2024 | 14:49
RSS

Vụ cà phê nhuộm pin con Ó: Người Bình Phước lo lắng khi dùng cà phê

Thứ bảy, 21/04/2018, 08:20 (GMT+7)

Sau khi chủ cơ sở sản xuất cà phê nhuộm pin con Ó khai đã tiêu thụ tại thị trường Bình Phước, nhiều người dân dùng cà phê bày tỏ lo lắng.

Vụ cà phê nhuộm pin con Ó: Người Bình Phước lo lắng khi dùng cà phê
Cơ sở sản xuất cà phê nhuộm pin con Ó. 

Chiều 20/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Cao Huy cho biết ông đã ký công văn yêu cầu Công an tỉnh Đắk Nông khẩn trương điều tra, xác minh và củng cố hồ sơ để xử lý chủ cơ sở kinh doanh nông sản tại xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) khi nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin.

Cùng ngày, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan điều tra chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở nông sản nhuộm cà phê bằng lõi pin) và người làm công.

Phía công an đang đấu tranh với bà Loan để làm rõ mục đích, động cơ sơ chế phế phẩm cà phê bằng hình thức ngâm với pin. “Vụ việc đã xuất hiện nhiều tình tiết mới, công an tỉnh đang cho điều tra làm rõ những tình tiết này nên chưa thể thông tin được cho báo chí” - vị lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông thông tin thêm: “Tới thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định cơ sở bà Loan trộn vỏ cà phê với pin và đá nhuyễn nhằm mục đích gì. 

Điều đáng nói, khi kiểm tra cơ sở nhà bà Loan, cơ quan chức năng không phát hiện dụng cụ dùng rang, xay cà phê. Cơ quan chức năng cũng không phát hiện bao bì cà phê, kể cả sản phẩm cà phê”.

Theo lời khai của bà Loan, một số lượng cà phê nhuộm bằng pin con Ó đã được tiêu thụ tại Bình Phước. Điều này khiến nhiều người dân uống cà phê lo lắng và bất an. 

Khảo sát tại nhiều quán cà phê trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, Bình Phước, nhiều người tiêu dùng tỏ ra sợ hãi trước thông tin trên. Anh Phạm Văn Quốc (37 tuổi, ngụ phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài) cho biết mỗi ngày anh uống 2-3 ly cà phê. 

Do tính chất công việc nên mỗi lần giao dịch với khách hàng anh đều chọn thức uống là cà phê, quán sang cũng có mà quán cóc nơi lề đường cũng ngồi. “Đọc thông tin cà phê nhuộm lõi pin từ báo chí, tôi quá hoang mang, rùng mình và bắt đầu ngại uống cà phê, nhất là ở quán bán cà phê không rõ nguồn gốc” - anh Quốc nói.

Tương tự, anh Lê Văn Cần (ngụ phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài) cũng chung tâm trạng lo lắng. “Ban đầu nghe tin về cà phê nhuộm lõi pin tôi vô cùng hoang mang vì sợ uống phải chất đó sẽ bị ung thư Do đó, giờ tôi phải chọn quán cà phê có uy tín về chất lượng mới dám uống”.

Trước đó, ngày 16/4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp), theo VTC News. 

Tại đây, lực lượng phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê "bẩn" đã được trộn lẫn với đất, bột đá.

Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng thu giữ 2 chậu chứa cục pin Con Ó (khoảng 35kg) được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê bẩn. 

Theo lời khai ban đầu, bà Loan cho biết cơ sở này hoạt động nhiều năm nay. Bà nhờ người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý và sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê.

Bà Loan khai nhận, cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường nhằm mục đích kiếm lời. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê "bẩn" được nhuộm đen bằng pin Con Ó như trên.


Người Sài Gòn thận trọng hơn khi uống cà phê sau vụ cà phê pin​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN