Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:38
RSS

Vụ dân "quây" BOT Thanh Nê: 2 trạm thu phí cách nhau 150m hơi phản cảm nhưng vẫn trong dự án!

Thứ tư, 11/01/2017, 11:24 (GMT+7)

“Thực tế chỉ có một trạm nhưng được chia ra làm 2 nhánh. Địa điểm đặt trạm thu phí có hơi phản cảm nhưng vẫn nằm trong dự án”, đại diện UBND tỉnh Thái Bình cho hay.

Như thông tin đã được đăng tải trước đó, việc trạm thu phí BOT Thanh Nê đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2017 đã gây nên sự bức xúc rất lớn của người dân cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải trong tỉnh Thái Bình.

Mặc dù lãnh đạo huyện Kiến Xương đã tổ chức buổi gặp mặt nhiều doanh nghiệp vận tải để tháo gỡ những thắc mắc xung quanh việc thu phí BOT Thanh Nê nhưng cuộc gặp gỡ kéo dài 2 tiếng đồng hồ vẫn không mang lại kết quả.

Theo thông tin người dân phản ánh, từ ngày trạm thu phí BOT Thanh Nê chính thức hoạt động, nhiều người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải liên tục có những hình thức phản đối việc này.

BOT Thanh Nê bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2017. Ảnh: Ngọc Ánh.

Để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Kinh phí cho dự án cải tạo và nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) đi thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) thực chất được lấy từ đâu?

Và việc xây dựng 2 trạm cách nhau 150m ở vị trí “đón lõng” phương tiện giao thông là đúng hay sai? PV Đời sống Plus đã có cuộc làm việc với các đơn vị liên quan để trao đổi về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, Phó trưởng Phòng Công thương, xây dựng, giao thông (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình) cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 39B được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2010.

Tổng mức đầu tư ban đầu là 2.072 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Khoản kinh phí này được thanh toán cho nhà đầu tư là công ty Cổ phần Tasco Nam Thái từ nguồn vốn huy động trái phiếu Chính phủ.

Nhiều lần người dân cũng như chủ phương tiện vận tải đã tập trung tại BOT Thanh Nê để phản đối việc thu phí. Ảnh: Ngọc Ánh.

Cuối tháng 9/2014, do giá cả đầu vào leo thang, ngân sách sử dụng để giải phóng mặt bằng tăng. Bên cạnh đó là việc phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với hệ thống kết cấu hạ tầng nên tổng chi phí của dự án “đội” lên 2.602 tỷ đồng.

Trong khi đó, Chính phủ chỉ phê duyệt số vốn cho dự án 1.437 tỷ đồng. Nghĩa là số vốn còn thiếu lên đến 1.165 tỷ đồng.

Vì nguồn vốn không đủ nên ngày 6/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khi đó là ông Phạm Văn Sinh đã gửi tờ trình nên Thủ tướng Chính phủ xin phép được chuyển đổi dự án từ BT sang BT+ BOT để giải quyết khó khăn về nguồn vốn.

Bảng giá cước phí đi qua BOT Thanh Nê đối với các phương tiện ở những địa phương không được ưu tiên. Ảnh: Ngọc Ánh.

Sau khi được sự đồng ý, nguồn ngân sách tỉnh 445 tỷ đồng đã được giải ngân để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư là công ty Cổ phần Tasco Nam Thái. Số vốn còn thiếu (khoảng 720 tỷ đồng) sẽ do phía nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT. Sau khi dự án hoàn thiện, phía nhà đầu tư sẽ được tổ chức thu phí trong vòng 21 năm để hoàn lại vốn.

2 BOT thu phí được đặt cách nhau 150m rất phản cảm. Ảnh: Ngọc Ánh.

“Vì vậy, có thể hiểu dự án đường 39B được hoàn thiện theo nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn do nhà đầu tư huy động. Đại khái có thể hiểu cùng 1 đoạn đường nhưng cốt nền là vốn BT, mặt đường là vốn BOT”, ông Phúc cho hay.

Khi được hỏi về việc 2 trạm thu phí được đặt cách nhau 150m ở vị trí “đón lõng” các phương tiện giao thông liệu có phản cảm, ông Phúc cho hay: “Đường 39B có mật độ xe cộ đi lại không nhiều nên bắt buộc phải đặt trạm thu phí ở vị trí đó để “đón” được nhiều xe, nhanh chóng hoàn lại nguồn vốn.

Nhiều người hiểu có 2 trạm thu phí cách nhau 150m là sai. Thực tế chỉ có “1 trạm” nhưng được chưa ra làm “2 nhánh”. Địa điểm đặt trạm thu phí có hơi phản cảm nhưng vẫn nằm trong dự án, vẫn không có gì là sai luật cả”.

Người dân xã Bình Minh và thị trấn Thanh Nê sẽ nhận được nhiều "ưu đãi" khi đi qua BOT Thanh Nê. Ảnh: Ngọc Ánh.

Trong ngày 10/1, PV Đời sống Plus tiếp tục liên hệ với phía chủ đầu tư là công ty Cổ phần Tasco Nam Thái để làm việc.

Trao đổi với PV, đại diện công ty Cổ phần Tasco Nam Thái cho hay, mức phí đi qua trạm thu phí BOT Thanh Nê đối với các phương tiện giao thông được áp dụng theo Quyết định 3299/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình kí ngày 28/12/2015.

Khi nghe PV đặt câu hỏi: “Tại sao ở mục 2, điều 1, Quyết định số 3897/QĐ-UBND tỉnh Thái Bình kí ngày 23/12/2016 lại có bảng phí qua BOT ưu tiên cho thị trấn Thanh Nê và xã Bình Minh với mức giá rất “thoáng”.

Phải chăng vị trí đặt 2 trạm BOT nằm gần với thị trấn Thanh Nê và xã Bình Minh nên nếu thu theo mức giá như những phương tiện ở các nơi khác thì người dân nơi đây sẽ phản đối, ảnh hưởng đến việc thu phí của BOT” thì vị này từ chối trả lời mà không nói đưa ra được lý do.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về trạm thu phí này.

Ngọc Ánh
Theo Đời sống Plus