Thứ năm, 25/04/2024 | 12:27
RSS

Vụ nhà 8B Lê Trực: Không thể kéo dài hơn nữa!

Thứ tư, 30/08/2017, 16:01 (GMT+7)

Một chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, sự việc xảy ra tại tòa nhà 8B Lê Trực đã kéo dài quá lâu. Các cấp chính quyền cần vào cuộc xử lý dứt điểm, không thể kéo dài vụ việc này thêm nữa.

Vụ việc tại tòa nhà 8B Lê Trực bỗng xuất hiện tình tiết mới khi Chủ đầu tư bất ngờ lên tiếng yêu cầu, UBND TP. Hà Nội phải đền bù thiệt hại cho các cư dân và chủ đầu tư vì những quyết định hành chính ban hành sai quy định.

Trước đó, Đời sống Plus đã thông tin, đại diện Chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực khẳng định, họ đã được xây dựng tòa nhà này phù hợp với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt; thi công công trình theo thiết kế đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định.

Theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng thì công trình này được miễn cấp GPXD.

Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, công trình phải dừng thi công xây dựng, cho tới năm 2013 công trình được tiếp tục xây dựng. Nếu trong thời gian này, công trình thuộc diện phải cấp giấy phép thì quy hoạch chi tiết 1/500 trước đây phải được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh làm cơ sở để cấp GPXD.

Việc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 là không có cơ sở pháp luật Vì vậy, trong trường hợp này, cơ sở pháp luật để công trình được tiến hành xây dựng vẫn là Quy hoạch 1/500 do UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND.

Người dân mua nhà tại số 8B Lê Trực căng băng rôn đòi nhà

Về sai phạm về xây dựng, tòa nhà số 8 Lê Trực sau đó đã đã căn cứ vào GPXD để xử lý. Về vấn đề này, Chủ đầu tư cho rằng như thế là không đủ cơ sở pháp lý. Việc này khiến doanh nghiệp gặp phải những hệ lụy khó khăn như hiện nay.

Theo đó, việc phá dỡ này đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình. Tuy nhiên, việc tháo dỡ cũng gặp trục trặc và hiện phương án tiếp theo bị đình trệ. Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục phá dỡ, nguy cơ mất an toàn tòa nhà này là rất cao.

Trở lại với tính pháp lý của tòa nhà 8B Lê Trực, theo quy định của pháp luật, nếu việc cấp giấy phép sai quy định thì các cơ quan nhà nước làm sai phải chịu bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư.

Khoản 4, Điều 67, Luật Xây dựng 2003 quy định: “Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định”.

Theo Luật Xây dựng 2014, căn cứ tại mục a, khoản 1, Điều 101 về Thu hồi, hủy giấy phép xây dựng thì Giấy phép xây dựng số 11 nêu trên phải bị thu hồi và hủy bỏ. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được xem xét.

Những lùm xùm không thể giải quyết tại tòa nhà số 8B Lê Trực khiến người dân đã mua nhà ở đây tỏ ra lo lắng, bởi họ không biết đến bao giờ mới được nhận nhà. Trung tuần tháng 8, hàng trăm hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực tiếp tục căng băng rôn, khẩu hiện đòi nhà trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp. 

Trao đổi với báo chí, TS. Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: Việc vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, trong đó có lỗi của chủ đầu tư, đồng thời cũng có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội.

Nếu biết xử lý đúng pháp luật một cách công bằng, đúng mức thì mọi việc không phức tạp như bây giờ. Việc xử lý kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại kinh tế của đất nước và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội

Sự thiệt hại này có thể cấu thành tội phạm để khởi tố thành vụ án hình sự, qua đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý một cách công bằng, nghiêm minh, làm cơ sở giúp cho việc xử lý hàng nghìn công trình đã và đang vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chưa có phương hướng xử lý tiếp theo. Ảnh Zing.vn

Cũng theo TS Yên, vụ việc này không thể kéo dài hơn nữa. Người bị thiệt hại ở đây chính là người dân và doanh nghiệp “Nhà nước không thể không có trách nhiệm trước những tiếng kêu cứu bị thiệt hại về tiền bạc, tài sản, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân”, TS Yên chia sẻ.

Nói về tòa nhà 8B Lê Trực, ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Lê Trực (chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực) chia sẻ với báo chí: "Về trách nhiệm với khách hàng, chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã làm hết sức, kêu cầu cứu, hết cách rồi. Giờ đây khách hàng cứ đến đòi nhà, đòi tiền. Nhưng tiền chúng tôi đã dùng để xây dựng tòa nhà, giờ không lấy đâu ra để trả cho cư dân nữa".

Vào giữa năm 2016, chủ đầu tư công trình này đã khởi kiện quyết định cưỡng chế của UBND quận Ba Đình ra TAND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, Tòa án đã thụ lý nhưng vẫn chưa xét xử.

Mới đây, trả lời câu hỏi của các ĐBQH tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề liên quan đến xử lý công trình số 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận trách nhiệm vì tiến độ xử lý chậm.

Tuy nhiên, thời gian cụ thể để xử lý những sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực chưa được lãnh đạo TP. Hà Hội đưa ra. 

Chủ đầu tư, khách hàng vẫn đang ngày đêm ngóng trông những phương hướng và bước xử lý tiếp theo của các cấp, lãnh đạo TP. Hà Nội

 

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN