Thứ năm, 28/03/2024 | 15:41
RSS

Hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà: Bác sĩ lý giải vì sao trẻ em có thể mắc bệnh?

Thứ ba, 18/07/2017, 14:48 (GMT+7)

Sự việc hàng loạt cháu bé, trong đó có cả trẻ sơ sinh ở Hưng Yên bị sùi mào gà khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: Tại sao trẻ em lại có thể mắc căn bệnh này?

Những ngày qua, sự việc hàng loạt trẻ em ở Hưng Yên, trong đó có cả trẻ sơ sinh mới được vài tháng tuổi bị sùi mào gà - căn bệnh chủ yếu lây truyền qua đường tình dục - khiến dư luận vô cùng hoang mang. 

Đáng nói, trong số các trẻ mắc sùi mào gà ở Hưng Yên, có điều trùng hợp là rất nhiều cháu trước đó đã đi cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Chi tiết này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Việc cắt bao quy đầu trong trường hợp sử dụng dụng cụ không đảm bảo - có thể dẫn tới lây nhiễm sùi mào gà hay không?

Sùi mào gà có thể lây gián tiếp qua dụng cụ y tế không vô khuẩn

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, sùi mào gà là bệnh do virus HPV gây nên. Hiện tại đã phân lập được hơn 100 tuýp HPV khác nhau, trong đó sùi mào gà được gây ra chủ yếu bởi tuýp 6, 11 (khoảng 90%).

Bệnh sùi mào gà chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh còn lây lan qua một số đường khác (thường gặp ở trẻ em) như: lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh sản, lây trực tiếp qua tiếp xúc bàn tay của người mang virus, lây gián tiếp qua dụng cụ y tế không vô khuẩn.

Sui mao ga

Virus HPV gây bệnh sùi mào gà. Ảnh Eva

Các chuyên gia cho biết: Khi mắc sùi mào gà, tổn thương thường gặp nhất là ở các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Tổn thương cũng có thể gặp ở niêm mạc họng, thanh quản, khí quản.

Tùy vị trí, mức độ tổn thương mà có cách điều trị khác nhau. Nếu tổn thương sâu, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị tại cơ sở y tế. Nếu các tổn thương ở vùng ngoài thì có thể điều trị tại nhà.

Chữa bệnh sùi mào gà như thế nào?

Về khả năng có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh sùi mào gà hay không, ThS.BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Laser và chăm sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trong bệnh lý sùi mào gà không thể thống nhất được khái niệm có khỏi dứt điểm hay không, chỉ điều trị ổn định trong một thời gian dài thì coi như khỏi bệnh. Dù vậy, nếu không giữ gìn cẩn thận, người bị sùi mào gà vẫn sẽ bị tái phát bệnh.

Điều này cũng tương tự rất nhiều trường hợp nhiễm virus khác nhưng không phát bệnh. Chẳng hạn như virus viêm gan B, có thể tỷ lệ dân số Việt Nam nhiễm virus viêm gan B rất nhiều nhưng không phải cứ ai nhiễm là mắc bệnh.

Virus HPV và bệnh sùi mào gà cũng thế. Tỷ lệ người nhiễm virus HPV nhưng không phát bệnh cũng khá nhiều.

Với sùi mào gà, việc lựa chọn cụ thể thuốc hay phương pháp nào sẽ tùy các mức độ bệnh. Với thuốc bôi thì có thể dùng kem imiquimod 5% hoặc 3,75%, Podofilox 0,5% dạng dung dịch hoặc gel, mỡ sinecatechins 15%...

Bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân dùng liệu pháp lạnh như xịt ni tơ hoặc áp ni tơ, sử dụng laser, đốt điện hoặc phẫu thuật loại bỏ thương tổn. Nhìn chung, bệnh nhân bị sùi mào gà phải điều trị cho tới khi tình hình sức khoẻ ổn định, tái khám theo hẹn hoặc ngay khi phát hiện có dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu đơn giản nhận biết bệnh viêm màng não ở trẻ

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN