Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:33
RSS

Vì sao 70% người Việt tử vong vì các bệnh không lây nhiễm?

Chủ nhật, 14/10/2018, 21:31 (GMT+7)

Gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam hiện nay lại đang chiếm tới 70%, trong khi đó bệnh lây nhiễm chiếm 30%.

Vì sao 70% người Việt tử vong vì các bệnh không lây nhiễm?
Bệnh tim mạch gây ra 31% số ca tử vong do bệnh tật ở Việt Nam

Nhiều người Việt lâu nay vẫn quan niệm rằng bệnh lây nhiễm là những căn bệnh vô cùng đáng sợ, đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam hiện nay lại đang chiếm tới 70%, trong khi đó bệnh lây nhiễm chiếm 30%.

Theo Infonet, ước tính trong năm 2016, Việt Nam có 548.800 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chiếm tới 77 % số ca tử vong. Trong đó có 44 % số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là trước tuổi 70. 

Báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.

Những bệnh đang "đè" nặng lên người Việt đứng đầu là bệnh tim mạch chiếm 31% số ca tử vong, bệnh ung thư chiếm 19%, bệnh hô hấp mã tính chiếm 6%, bệnh đái tháo đường chiếm 4% ngoài ra còn do tai nạn thương tích, bệnh dinh dưỡng bà mẹ trẻ em….

Theo các chuyên gia, ngày càng có sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có tim mạch, huyết áp, đái tháo đường do chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động của người Việt.

Điều tra của Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy, có đến 57,2% người trưởng thành ăn ít rau/trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong một ngày).

Mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt cao gấp 2 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới Theo đó, mức khuyến nghị là 5 gam muối/người/ngày (tương đương 8g bột canh, hoặc 25ml nước mắc, hoặc 35ml xì dầu).

Bên cạnh đó có đến 28,1% người Việt thiếu hoạt động thể lực (tức là có dưới 150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương).

Vì vậy, mô hình bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm.

Trong khi đó, ước tính có gần 60% bệnh tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh. Hiện chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp và 29% bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị. Gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý và dự phòng.

Theo Dân trí, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế nguyên nhân của tình trạng này là do tại các tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở các trạm y tế xã, chưa triển khai đầy đủ hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài - là yêu cầu rất quan trọng đối với bệnh không lây nhiễm.

Để giải quyết các bệnh liên quan đến tim mạch và các bệnh không lây nhiễm, hiện Tổ chức y tế thế giới WHO đã xây dựng gói can thiệp bệnh tim mạch (gói Heart) và khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam áp dụng trong dự phòng và quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng. 


Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN