Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:52
RSS

Vì đâu Nga cứ tung bằng chứng vạch trần tên lửa Triều Tiên dù Mỹ công nhận?

Thứ hai, 10/07/2017, 11:32 (GMT+7)

Nga đã gửi bằng chứng lên Liên Hợp Quốc để chứng minh rằng Triều Tiên vừa tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung chứ không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn tới Mỹ.

Hôm 4/7, Bình Nhưỡng đã khiến cộng đồng thế giới được một phen rúng động khi bất ngờ phóng đi một quả tên lửa mà ngay sau đó họ tuyên bố là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ngay sau vụ thử tên lửa, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA tuyên bố, tên lửa Hwasong-14 mà nước họ vừa phóng đi đã bay được 933km và đạt được độ cao 2.802km trong thời gian bay 39 phút.

Một số nhà phân tích cho rằng, chi tiết về đường bay của tên lửa cho thấy, tên lửa mới của Triều Tiên có tầm bắn đến hơn 8.000km và có thể đưa nhiều khu vực trên lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn.

Mỹ xác nhận Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: Reuters

Mỹ xác nhận Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: Reuters

Quân đội Mỹ ban đầu nhận định tên lửa chỉ thuộc tầm trung, nhưng các quan chức Lầu Năm Góc nói với NBC News họ tin Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên. Họ cho rằng tên lửa có thiết kế hai tầng chưa từng được thấy trước đây, với tầm phóng lớn hơn 5.471 km, tầm phóng để được xếp vào loại ICBM. 

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson cũng xác nhận đây là tên lửa ICBM. "Mỹ lên án mạnh mẽ vụ phóng ICBM của Triều Tiên. Thử nghiệm ICBM cho thấy sự leo thang đe doạ mới với Mỹ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi, với khu vực và thế giới", Reuters dẫn lời ông Tillerson nói. 

Thế nhưng Nga trưng bằng chứng bóc mẽ tên lửa mạnh nhất của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Thế nhưng Nga trưng bằng chứng bóc mẽ tên lửa mạnh nhất của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã phản bác lại những thông tin trên. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trạm radar loại Voronezh của họ được triển khai ở khu vực Irkutsk đã giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-14 từ Triều Tiên và đã thu thập được các số liệu cho thấy, tên lửa này trong khoảng 14 phút đã bay được 510km và đạt độ cao 535km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản

Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc các số liệu trên cùng với bản mô tả chi tiết dưới dạng biểu đồ các thông số liên quan đến đường bay của tên lửa Triều Tiên.

Bằng chứng trên được đưa ra sau cuộc tranh cãi nảy lửa tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ phóng tên lửa hôm 4/7 của Triều Tiên, trong đó phía Mỹ khăng khăng cho rằng tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng đi là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - ICBM.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN