Thứ tư, 24/04/2024 | 02:31
RSS

Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố không xác định

Thứ ba, 07/11/2017, 19:15 (GMT+7)

VNPT đang phối hợp với đối tác quốc tế để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý, khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG.

Từ 9h15 sáng nay, ngày 7/11/2017, cáp quang biển quốc tế AAG lại gặp sự cố trên cáp nhánh từ TP.HCM đi quốc tế và hiện nguyên nhân của sự cố vẫn chưa được xác định. Đây là lần thứ 5 trong năm nay tuyến cáp biển AAG gặp sự cố.

Thông tin nêu trên vừa được các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam thông tin với ICTnews vào chiều nay, ngày 7/11/2017.

Cáp quang biển quốc tế AAG
Cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố lần thứ 5 trong năm nay. Ảnh: ICT News

VNPT đang phối hợp với đối tác quốc tế để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý, khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG từ TP.HCM đi quốc tế.

Đại diện các ISP tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cho hay, do đã quen với tình huống các tuyến cáp quang biển, nhất là tuyến AAG gặp sự cố nên ngay sau khi mất liên lạc trên tuyến, các ISP đều đã triển khai ngay phương án dự phòng để đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ Internet phục vụ Hội nghị APEC 2017 và các khách hàng.

Trước đó, tuyến AAG đã gặp sự cố vào lúc 7h20 ngày 12/10, gây mất 690 GB dung lượng từ TP.HCM hướng đi quốc tế. Nguyên nhân do đứt cáp quang biển gần đoạn cập bờ Hong Kong.

Cáp quang biển quốc tế AAG
Hiện chưa rõ nguyên nhân cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố lần này. Ảnh: Internet

Hôm 10/10, tuyến cáp SMW-3 cũng gặp sự cố khiến mất 130 GB dung lượng kết nối đi quốc tế. Theo đại diện một ISP ở TP.HCM, sự cố kép này ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ kênh quốc tế tại các tỉnh miền Nam và miền Trung.

Cuối tháng 8, đồng loạt các tuyến cáp quan trọng như AAG, Liên Á và SMW-3 đều gặp sự cố và chỉ mới được khôi phục hoàn toàn vào đầu tháng 10.

AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Tại Việt Nam, các ISP như FPT Telecom, Viettel, VNPT, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế, bên cạnh nhiều tuyến dự phòng khác.  

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN