Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:20
RSS

Từ vụ Huyền Như, niềm tin vào Vietinbank bị 'đánh cắp'

Thứ tư, 06/06/2018, 12:03 (GMT+7)

Vậy là Vietinbank đã “vô can” sau khi TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên bị cáo Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đó đồng nghĩa với một thông điệp rất xấu rằng, người gửi tiền vào Ngân hàng VietinBank rất có thể rơi vào trạng thái trắng tay lúc nào không hay…?

Ngày 30/5/2018, Tòa phúc thẩm - Toà án Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro VietinBank - Chi nhánh TP. HCM) án chung thân (tổng hợp với giai đoạn 1 là án chung thân) và Võ Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên Phó Giám đốc VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè) 7 năm tù (tổng hợp với giai đoạn 1 là án 27 năm tù) vì chiếm đoạt hơn 1000 tỷ đồng của 05 công ty.

Theo HĐXX, Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chứ không phải "Tham ô tài sản", do đó Ngân hàng VietinBank không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tin tức này khiến nhiều người có tiền gửi ở VietinBank có cảm giác chông chênh và hoài nghi rằng liệu họ có bị rơi vào tình trạng “ky cóp cho cọp nó xơi” như những khách hàng đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo?

Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, mất niềm tin vào Vietinbank

Vietinbank "vô tội" sau vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo khách hàng

Trước đó, kháng cáo của 4/5 bị hại khẳng định Huyền Như chiếm đoạt tiền của VietinBank chứ không phải tiền của họ. Bởi họ đã gửi tiền hợp pháp vào tài khoản mở tại ngân hàng VietinBank. Các bị hại cho rằng VietinBank có lỗi trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng, trong quản lý nhân viên, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát để Huyền Như và đồng phạm phạm tội, gây thiệt hại. Theo đó, các bị hại cho rằng Huyền Như phạm tội "Tham ô tài sản", đề nghị HĐXX buộc VietinBank bồi thường thiệt hại cho họ...

Bất luận thế nào, sau bản án họ cũng đã, đang “trắng tay” và hoàn cảnh này thật đúng như câu thành ngữ đã đúc kết “ky cóp cho cọp nó xơi”. Họ đã bị chính người giữ trọng trách trong hệ thống - Huỳnh Thị Huyền Như, Phó Phòng quản lý rủi ro của VietinBank “cuỗm mất”…

Vậy còn bao nhiêu cá nhân và tổ chức khác cũng đang gửi tiền trong hệ thống của VietinBank thì sao? Liệu họ có lại bị rơi vào tình cảnh “dành dụm, tích trữ nhưng để kẻ khác cuỗm mất” hoặc “dùng mánh lới để tiêu hộ” như trường hợp trên?

Điều lo lắng này ko phải không có cơ sở, khi Huỳnh Thị Huyền Như đã đi huy động vốn của các khách hàng kia với vai trò là Phó Phòng quản lý rủi ro của VietinBank. Một người giữ trọng trách như vậy trong hệ thống của VietinBank, lấy danh nghĩa đó để huy động và thiết lập quan hệ với các khách hàng gửi tiền thì quá đủ “trọng lượng” để những khách hàng gửi tiền tin tưởng khi giao dịch…

Mặt khác, bản án đã tuyên và VietinBank đã “vô can” nhưng không thay đổi được một thực tế rằng, tiền của khách hàng gửi đã mất đi từ chính tài khoản hợp pháp của khách hàng tại VietinBank. Việc muốn rút tiền ra hay chuyển tiền đi cũng phải trải qua hàng loạt những thủ tục và quy định khắt khe, chặt chẽ khác, nhất lại là một số tiền lớn như vậy.

Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, mất niềm tin vào Vietinbank
Từ vụ Huyền Như, khách hàng liệu còn niềm tin vào Vietinbank? (ảnh minh họa)

Trong khi đó, các quy định của pháp luật về hoạt động và sự an toàn trong hoạt động của ngân hàng đã được quy định trong nhiều văn bản như Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN về Quy chế tiền gửi tiết kiệm, Luật Các tố chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và các văn bản khác.

Tuy nhiên, hệ thống của VietinBank dường như đã không áp dụng những quy định hết sức chặt chẽ kia để kiểm soát các hoạt động hoặc những vị trí dễ lợi dụng tạo niềm tin đối với khách hàng như trường hợp Huyền Như.

Có lẽ vậy, nên Huỳnh Thị Huyền Như mới có thể thực hiện hàng loạt những hành vi “qua mặt” hệ thống của VietinBank để chiếm đoạt tiền từ những tài khoản hợp pháp của khách hàng tại VietinBank. Hay nói cách khác, việc quản lý tiền gửi của khách hàng, quản lý nhân viên và công tác kiếm tra, kiếm soát các hoạt động trong hệ thống của VietinBank như “chốt an toàn” đã bị “vô hiệu hóa” một cách quá dễ dàng hoặc có thể không hoạt động?

Phải chăng, cái “chốt an toàn” của VietinBank trông chờ vào “đạo đức” của những người giữ trọng trách quan trọng như Huỳnh Thị Huyền Như? Cũng như vậy, ở đời càng không có chuyện “cọp thương kẻ tích trữ mồi nên nó không xơi hoặc tha đi” khi có cơ hội…

Tại sao, ngân hàng tưởng chừng như là nơi an toàn để cất - giữ tiền bạc, mà giờ lại có thể mất dễ dàng đến vậy và nguyên nhân của vấn đề này là gì? Trong cái hệ thống của VietinBank, bộ phận “chốt an toàn” đã bị vô hiệu hóa, không có tác dụng bảo vệ của cải của bao người tích góp và cất giữ cất ở đó nữa?

Theo nguồn tin riêng của PV, ngay sau khi Tòa án tuyên Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VietinBank đã báo động cho nhân viên trên toàn hệ thống đề phòng tình trạng người gửi tiền sẽ đến rút tiền…

Trong vụ việc này, có một nạn nhân là đơn vị có yếu tố nước ngoài, Công ty Saigonbank Berjaya (SBBS) đã bị thiệt hại 210 tỷ đồng. Bà Josephine Yei Pheck Joo, người Malaysia - Tống giám đốc Công ty SBBS đã khẳng khái rằng: SBBS và 4 công ty kia quyết tâm theo kiện để nhận lại được số tiền vì đó là Công Lý là sự minh bạch và chặt chẽ của pháp luật Việt Nam về quản lý tài chính ngân hàng" - "Chúng tôi không bỏ cuộc vì tôi không chỉ đang bảo vệ tài chính của SBBS, mà còn không muốn tạo một tiền lệ xấu. Bạn bè của tôi - những nhà đầu tư ở Malaysia, Singapore cũng đang theo dõi vụ án này. Bản án cuối cùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài". Dẫu vậy, sau khi phiên tòa ngày 30/5/2018 kết thúc, trong lời bày tỏ với một doanh nhân nổi tiếng người việt bà Josephine Yei Pheck Joo cũng đã không dấu được sự thất vọng tràn trề…
Bích Phương
Theo Thời Đại