Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:08
RSS

Tử hình Đặng Văn Hiến vụ nổ súng 3 người chết ở Đắk Nông

Thứ năm, 12/07/2018, 19:35 (GMT+7)

Sau khi nghe tòa tuyên án tử hình Đặng Văn Hiến người nổ súng 3 người chết ở Đắk Nông, mẹ và vợ của bị cáo quỳ lạy, gào khóc.

Tử hình Đặng Văn Hiến sau vụ nổ súng 3 người chết ở Đắk Nông
Bị cáo Đặng Văn Hiến tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh Tuổi trẻ. 

Ngày 12/7, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ nổ súng vào rạng sáng 23/10/2016 khiến 3 người chết, 13 người bị thương tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. 

Hội đồng xét xử tuyên sửa một phần bản án nhưng vẫn giữ nguyên án tử hình đối với ông Đăng Văn Hiến.

Tại tòa, các ông Đặng Văn Hiến (42 tuổi, bị cấp sơ thẩm tuyên án tử hình), Ninh Viết Bình (cấp sơ thẩm phạt 20 năm tù), Hà Văn Trường (cấp sơ thẩm phạt 12 năm tù giam) cùng về tội giết người và Đoàn Văn Diện (bị 9 tháng tù giam) về tội che giấu tội phạm đều có đơn xin giảm hình phạt, Tuổi trẻ đưa tin. 

Nhóm bị cáo này cho rằng mình là những nông dân chân chất, bị dồn ép đến bước đường cùng mà phạm tội. Trong vụ này, bị cáo Nghiêm Thiên Xuân Sửu (nguyên phó giám đốc Công ty Long Sơn, bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù giam) và Phạm Công Thiện (quản lý, bị tuyên 4 năm tù giam cùng về tội phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác) cũng xin giảm án.

Tại phiên tòa, các bị cáo Hiến, Bình và Trường đều thừa nhận mình có tội, tuy nhiên hành vi tội ác của các bị cáo là do sự dồn nén, ép đến đường cùng mà các bị hại là công nhân Công ty Long Sơn gây ra. 

Bị cáo Đặng Văn Hiến cho rằng Công ty Long Sơn nổi tiếng về việc "san ủi đất, không bồi thường" nên người dân địa phương rất bức xúc.

Theo HĐXX, bị cáo Hiến được xác đinh là người trực tiếp nổ súng, bắn vào đoàn người của Công ty Long Sơn khiến 3 người chết, 13 người bị thương xảy ra vào sáng 23/10/2016, tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, theo Trí thức trẻ. 

Hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội làm mất an ninh trật tự tại địa phương. Mặt khác, đơn kháng cáo không có chứng cứ mới cũng như đơn xin giảm nhẹ hình phạt của người nhà bị hại không được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Ngay khi nghe lời tuyên án của HĐXX, nhiều người dân và thân nhân của bị cáo Hiến đã gào khóc, không tin đó là sự thật.

Tử hình Đặng Văn Hiến sau vụ nổ súng 3 người chết ở Đắk Nông
Người thân bị cáo quỳ lạy trường phòng xét xử. Ảnh Trí thức trẻ.

Riêng mẹ, vợ và anh em của bị cáo Đặng Văn Hiến đã quỳ lạy trước phòng xét xử vì chồng tiếp tục bị tuyên án tử. Nhiều người dân đang sinh sống tại tiểu khu 1535 cũng rất búc xúc vì hai bị cáo Sửu và Thiện được giảm án, trong khi 2 bị cáo này đã có hành động khiến ông Hiến phải nổ súng.

Theo cáo trạng, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535, để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Trong quá trình thực hiện, một số hộ dân đã đến trồng điều, cà phê và sang nhượng cho các hộ dân khác. Trong đó có gia đình ông Hiến, Bình và Hoàng Văn Thắng.

Ngày 15/10/2016, ông Sửu gọi người của công ty Long Sơn, chuẩn bị máy ủi, máy cày, áo giáp, lá chắn… để san ủi cà phê, điều của một số gia đình. Tiếp đó, ngày 23/10/2016, bị cáo Sửu, Thiện cùng hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê, làm thiệt hại nhiều tài sản của của nhà ông Hiến và 2 hộ dân khác.

Khi phát hiện người của Công ty Long Sơn tiến về phía nhà mình, bị cáo Hiến lấy súng đi ra thì bị nhóm người của công ty chặn lại. Tại đây, Hiến đã bắn 1 phát đạn chỉ thiên thì nhóm người của Công ty Long Sơn dùng đá ném lại.

Lúc này, bị cáo Hiến chạy vào nhà và bắn nhiều phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn. Cùng thời điểm, Trường đã tiếp đạn cho Hiến tiếp tục bắn.

Nghe tin người của Công ty Long Sơn đến san ủi cây, Bình cũng cầm súng chạy lên nhà ông Hiến hỗ trợ. Cả hai đã nổ súng ra khu vực san ủi khiến chết 3 người, 13 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều là người của công ty Long Sơn.

Sau khi gây án, Hiến và Trường bỏ trốn xuống huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) gặp Diện. Tại đây, Hiến đã kể lại toàn bộ sự việc mình đã gây ra và nhờ Diện cầm sim điện thoại của mình đến khu vực khác lắp vào máy gọi điện cho tổng đài để đánh lạc hướng cơ quan chức năng.


Xem thêm: Nhắn tin đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng và cái kết

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN