Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:41
RSS

Trị viêm tai giữa cho trẻ bằng sáp ong, nguy hiểm khôn lường

Thứ năm, 01/11/2018, 06:57 (GMT+7)

Bác sĩ cho rằng trị viêm tai giữa cho trẻ bằng sáp ong không những không khỏi được bệnh mà còn có thể gây hiểm cho trẻ.


Cách chữa viêm tai giữa bằng sáp ong được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội

Gần đây thông tin thổi sáp ong trị viêm tai giữa được lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội Theo chia sẻ của một mẹ bỉm sữa, sáp ong rừng bỏ mật, đun nóng lên cho tan ra rồi phết lên tờ giấy mỏng, sau đó đốt tờ giấy rồi thổi khói vào tai trẻ. Mẹo chữa bệnh này ngay khi được chia sẻ trên mạng đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh với hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ. 

Tuy nhiên, các chuyên gia tai mũi họng lại cho rằng cách chữa bệnh này không những không khỏi được bệnh mà còn có thể gây hiểm cho trẻ. 

PGS TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt cho biết, viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ, tuy nhiên nếu bố mẹ không điều trị kịp thời, triệt để, khiến viêm tái đi tái lại kèm theo ứ dịch mủ trong tai có thể gây nguy hiểm lớn.

Bác sĩ An phân tích, gốc rễ của viêm tai giữa không phải từ trong tai mà phát sinh từ đường hô hấp trên, tức là phải qua giai đoạn viêm mũi họng rồi mới vào tai. Nếu viêm tai ở giai đoạn chưa vỡ mủ thì có thổi sáp ong hay nhỏ bất cứ thuốc gì vào tai cũng không có giá trị. 

"Dùng sáp ong trong điều trị bệnh viêm tai hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thậm chí, đổ sáp như thế sẽ bịt mất đường dẫn lưu của mủ ra khỏi tai, mủ không chảy được ra ngoài sẽ chảy vào trong gây nên viêm màng não và áp xe não dẫn tới tử vong" - PGS An cho biết.

Cũng theo bác sĩ An, bên cạnh thổi, nhỏ sáp ong, có nhiều trường hợp các gia đình giã bột clorocid đổ vào tai con cũng vô cùng nguy hiểm bởi nếu mủ không thể chảy ra ngoài có thể tấn công vào phía màng não, vào dây thần kinh gây nên những biến chứng nặng nề như liệt mặt thậm chí điếc tai.


PGS TS Nguyễn Thị Hoài An thăm khám cho bệnh nhi

PGS TS Nguyễn Thị Hoài An cũng cảnh báo các bậc cha mẹ, nếu trẻ không có chảy mủ tai thì không nên can thiệp vào tai. Thay vào đó nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ kê các loại thuốc kháng sinh để điều trị, làm khô mũi thì tai sẽ khỏi dần. 

Trong trường hợp tai bé đã vỡ mủ thì phải dùng kháng sinh nước dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị vì một số loại kháng sinh có thể gây độc cho tai, chất độc qua tai giữa ngấm vào tai trong có thể gây viêm nhiễm nặng hơn thậm chí là điếc đặc. 

"Tai chảy mủ mới nhỏ thuốc vào tai. Nếu tai không chảy mủ thì không nên dùng thuốc vì lúc ấy màng nhĩ đóng, dùng thuốc cũng không có tác dụng" - bác sĩ An cho biết thêm.


Xem thêm Clip: 100 bà bầu thì 99 người hiểu sai về việc cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ - Thứ trưởng Bộ Y tế phản bác

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN