Thứ sáu, 26/04/2024 | 01:03
RSS

Trận chiến chưa đầy 10 giây hạ võ sĩ mạnh hơn cả Từ Hiểu Đông của đại cao thủ võ Việt

Thứ ba, 09/05/2017, 15:33 (GMT+7)

Làng võ Việt gọi ông là Hoắc Phi Hồng bởi đức độ, tài năng chẳng kém gì Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng của Trung Quốc. Võ sư lừng danh này cũng từng "hạ đo ván" nhiều kẻ khiêu chiến ngạo mạn như Từ Hiểu Đông…

LTS: LTS: Làng võ Trung Quốc như đang trong cơn địa chấn bởi lời thách đấu ngông cuồng, ngạo mạn của võ sĩ Từ Hiểu Đông. Thực tế, từ khiêu chiến kiểu hạ nhục ấy, nhiều người đã phải thừa nhận sức mạnh, sự ảo diệu của võ thuật Trung Hoa chủ yếu được phim ảnh thổi phồng.

Theo nhiều võ sư nổi tiếng thì khác với võ thuật Trung Hoa, võ Việt Nam xuất phát từ võ trận nên sức mạnh của võ Việt đã được "kiểm chứng" từ lịch sử chống giặc ngoại xâm ròng rã. Và, tuy không ngông cuồng, hống hách nhưng thời nào thì làng võ Việt cũng đã phải ngênh tiếp những "Từ Hiểu Đông" thích phân tài cao thấp.

Dựng đài khiêu chiến cả làng võ

Võ sư Phạm Xuân Tùng

Võ sư Phạm Xuân Tùng, Chưởng môn phái Sơn Đông Lạc Hồng, học trò cưng của cố võ sư Nguyễn Văn Thơ thắp nhang cho sư phụ mình.

Võ sư lừng danh ấy là Nguyễn Văn Thơ sinh năm 1915, ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông là sáng tổ của môn phái Thiếu lâm Sơn Đông.

Theo lời kể của võ sư Phạm Xuân Tùng, Chưởng môn phái Sơn Đông Lạc Hồng, học trò cưng của cố võ sư Nguyễn Văn Thơ thì ông quê ở Thái Bình, tuổi nhỏ theo trụ trì chùa Keo luyện võ.

Năm 13 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Thơ khỏi quê lúa phiêu bạt giang hồ bởi đả thương một sai nha hống hách.

Lên Hà Nội, Thơ xin đi làm cho một gánh thuốc dạo và may mắn đã được ông chủ gánh thuốc là người Hoa vốn là một cao thủ của môn phái Thiếu Lâm truyền thụ võ công.

Chừng 7 năm theo gánh thuốc, ngày lang thang cùng sư phụ ở khắp các ngõ ngách, phố phường ở Hà Nội, tối về thì luyện võ, đến năm Thơ 20 tuổi thì gánh thuốc phải… giải tán bởi cụ Trần Vi Sìn, chủ gánh thuốc già yếu.

Sau đó, ông xin vào làm công nhân bốc xếp ở Nhà máy xay Lương Yên và ở luôn trong khu tập thể. Và, sau mỗi buổi đi làm, ông vẫn đêm ngày luyện rèn các chiêu thức võ công mà cụ Sìn đã dạy.

Tuy giao lưu với nhiều thầy võ nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ nhưng hàng xóm xung quanh chẳng ai biết anh công nhân hiền lành ấy là người giỏi võ. Không giống như các võ sư khác, thời gian đó, võ sư Thơ không mở võ đường, không chiêu nạp môn đồ.

Bởi thế, sự kiện võ sư Thơ thượng đài để tỉ thí võ nghệ với một võ sư nổi tiếng ở miền Nam năm 1954 ở Bờ Hồ đã khiến nhiều người kinh ngạc. Trận đấu này đã gây chấn động cả Hà Nội khi ấy và đương nhiên, khiến giới mộ điệu nức lòng.

Và, chính cuộc thượng đài này đã khiến danh tiếng võ sư Thơ nổi như cồn. Thậm chí, làng võ Việt còn gọi ông bằng cái tên Hoắc Phi Hùng, ý nói tài nghệ và khí phách ngang với Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, những danh gia võ thuật của Trung Quốc.

Theo đó, Sáu Hổ là một võ sư nổi tiếng ở trong Nam, bởi đam mê quyền thuật nên muốn ra Bắc tỉ thí võ nghệ, phân chia cao thấp.Võ đài Sáu Hổ được dựng ở ngay Bờ Hồ, gần đài phun nước bây giờ.

Trên đài, Sáu Hổ cho treo hai tấm băng rôn có dòng chữ đầy vẻ thách thức theo kiểu hạ mục vô nhân: “Nhất quyền đả Nam, nhị cước đả Bắc”.

Võ sư Phạm Xuân Tùng

Võ sư Phạm Xuân Tùng

Võ sư Phạm Xuân Tùng

Võ sư Phạm Xuân Tùng biểu diễn võ thuật

Trước sự hống hách của Sáu Hổ, ngay sau khi đài được dựng lên nhiều người biết võ đã lên tỉ thí. Tuy nhiên, như tên mình, Sáu Hổ mạnh như cọp. Chỉ vài phút giao đấu là những người ứng chiến ấy đã bị đánh gục, thậm chí văng lộn xuống đài.

Hôm ấy, khi võ đài của Sáu Hổ dựng lên được 5 ngày, vừa đi làm về thì võ sư Nguyễn Văn Thơ thấy các bạn võ của mình hớt hải tìm đến. Tất thảy họ ai cũng mặt mày thâm tím, có người còn nhăn nhó bởi đau đớn.

Vừa nhác thấy ông, những người bạn ấy đã lôi ông đi ngay. Thấy ông còn do dự, mấy người bạn ấy đã bảo: “Thôi anh cứ ra xem đi. Ra đó xem một lát rồi lên đài hay không là tự anh quyết định”.

Nghe bạn nói vậy không còn cách nào, cứ diện nguyên bộ quần áo bảo hộ, võ sư Thơ theo đám bạn ra Bờ Hồ. Tới nơi, thấy vẻ hống hách của Sáu Hổ lại tận thấy câu “nhất quyền đả Nam, nhị cước đã Bắc” ngạo nghễ treo ngay cạnh võ đài, võ sư Thơ đã… quên ngay ánh mắt lo lắng của người vợ trẻ ở nhà. Ông quyết định thượng đài.

Được ví như Hoàng Phi Hồng sau trận tỉ thí chóng vánh

Chờ mỏi mắt mới thấy có người lên tỉ thí nên Sáu Hổ tỏ ra vô cùng phấn khích. Thời đó, theo luật đài, người ứng chiến trước khi đánh phải biểu diễn một bài quyền, một bài binh khí ngắn, một bài binh khí dài (gọi là “tam thảo”).

Cố võ sư Nguyễn Xuân Thơ

Cố võ sư Nguyễn Xuân Thơ

Lúc đầu coi đối thủ chẳng ra gì nhưng khi thấy ông đi xong “tam thảo”, Sáu Hổ đã biết mình gặp phải đối thủ xứng tầm. Bởi thế, khi vào đấu, võ sĩ này đã vô cùng thận trọng.

Trận đấu bắt đầu, hai đấu sĩ làm thủ tục bắt tay nhau. Sáu Hổ dùng hết sức bình sinh bóp chặt tay ông. Đương nhiên, vận nội lực, ông cũng bóp trả.

Sau cái “bắt tay” ấy hai người lùi ra xa thủ thế. Sáu Hổ không dám coi thường nên cũng chẳng dám tấn công ngay mà cứ dứ dứ hai tay rất là kín kẽ. Mắt cứ chằm chằm nhìn vào đối phương, chân di chuyển mấy vòng võ đài mà không ai động thủ.

Thấy đối phương quá đỗi đề phòng, võ sư Thơ đã quyết định dùng mẹo để dụ Sáu Hổ tấn công. Khi ấy, lợi dụng trời nổi gió nhẹ, võ sư Thơ đã khẽ nghiêng đầu đón gió. Luồng gió làm tóc ông xõa xuống, che mất một bên mắt. Vờ như không còn để ý đối phương, ông đưa tay hất tóc lên.

Chỉ chờ có thế Sáu Hổ vọt tới, cắm thẳng hai chân vào mạng sườn ông. Biết đối phương đã mắc bẫy của mình, nhanh như chớp ông hạ khửu tay trái xuống đỡ rồi áp sát vào người Sáu Hổ dùng tay phải ra đòn ở cự ly gần, đánh thẳng vào ngực Sáu Hổ.

Để cú đánh đó được thêm phần hoàn hảo, trước lúc xuất đòn, ông đã cài chân võ sĩ to lớn này. Dính đòn một cách bất ngờ lại bị mất chân trụ, Sáu Hổ lộn nhào xuống đài. Theo luật, ai bị đánh bật khỏi sới là thua cuộc, tuy nhiên, võ sư Thơ vẫn chạy lại mời Sáu Hổ lên đấu tiếp.

Tuy nhiên, cảm phục sự mưu trí và đòn đánh dũng mãnh của ông, Sáu Hổ đã tâm phục khẩu phục xin thua.

Trận đấu diễn ra chưa 10 giây, thấy võ sĩ miền Nam chắp tay bái phục những người chứng kiến cuộc so tài đã mừng rỡ hô vang tên ông. Và, với nhiều người sống quanh nhà ông, khi ấy họ mới biết anh công nhân hiền lành ấy là một cao thủ võ công có sức mạnh chế kình ngự hổ.

Vũ khí hủy diệt

Không giống như những võ sư khác, khi mở võ đường là chiêu sinh đến mấy chục học trò, “Hoắc Phi Hùng” chỉ nhận mỗi khóa chưa đầy chục người. Tuy nhiên, với những người đó khi không phải ai cũng có thể gọi ông là thầy, là sư phụ.

Chiếc cúp

Chiếc cúp

Chiếc cúp cố võ sư Nguyễn Văn Thơ được nhận sau trận đấu với võ sĩ Sáu Hổ năm 1954

Và, cũng chính bởi biết nhìn người mà sư phụ ông đã loại khỏi môn phái một đệ tử phản trắc, sẵn sàng “cõng rắn cắn gà nhà”.

Võ sư Xuân Tùng kể, môn đồ phản trắc ấy tên T., tham gia môn phái từ năm 1981. Theo học đến năm 1984, bởi nôn nóng nên ông T. đã từ bỏ môn phái đi tìm thầy khác học.

Bẵng đi một thời gian dài, năm 1988, khi võ sư Tùng đang cùng sư phụ mình chỉ dạy cho các môn đệ tại võ đường (trong trường tiểu học Lương Yên) thì ông T. bất ngờ xuất hiện cùng với một người đàn ông lạ.

Ông T. gọi người đàn ông tuổi ngoài 30, cao to lực lưỡng ấy là sư phụ. Ông T. dẫn người đàn ông lạ mặt trên đến võ đường không phải để vấn an sức khỏe sư phụ cùng anh em đồng môn mà là để… khiêu chiến.

Thái độ ngông nghênh, ông T. đã buông những lời cay nghiệt ý nói mình đã sai lầm khi mấy năm trời theo học thứ mãi võ rẻ rúm, chẳng ích lợi gì. Chẳng đợi đệ tử mình kịp ngưng những lời xúc xiểm, người đàn ông lạ mặt kia đã hất hàm đưa ra lời thách đấu.

"Tôi muốn đánh với ông. Ông là sư phụ, tôi cũng là sư phụ. Nếu ông sợ mình già yếu thì thôi, tôi không chấp làm gì”, người đàn ông ấy ngạo mạn.

“Đúng là tôi cao tuổi rồi, nhưng nếu anh chê tôi già yếu thì hôm nay tôi sẽ đánh với anh!”, như bị chạm vào lòng tự ái, đang ngồi uống trà võ sư Thơ nhổm dậy đáp.

“Mời ông ra đây!”, vừa nói người đàn ông lạ mặt vừa rút ngay hai thanh đoản côn gài sau lưng ra. “Ông dùng vũ khí gì?”, người đàn ông ấy hỏi.

“Hôm nay tôi sẽ cho anh biết thế nào là Sơn Đông mãi võ, vũ khí của tôi đây!”, võ sư Thơ lần trong túi áo ngực đưa ra chiếc khăn mùi xoa mà ông vẫn dùng để lau mồ hôi.

Nhìn thứ vũ khí ấy, lăm lăm hai đoản côn trong tay, người đàn ông lạ mặt ấy nhệch miệng cười khẩy.

Chẳng buồn để ý đến đối phương, lão võ sư ung dung nhúng một góc khăn vào chén trà rồi thắt nút thành cục to bằng đầu ngón tay. Chuẩn bị “vũ khí” xong, lão võ sư ra hiệu mời người đàn ông lạ mặt kia vào trận.

Nhận được lời mời trên, ngay lập tức người đàn ông lạ mặt ấy cầm đoản côn nhắm mặt lão võ sư thúc tới. Không cần di chuyển, lão võ sư nhẹ nhàng ngửa mặt tránh.

Ngay sau cú thúc lỡ trớn trên, người đàn ông lạ mặt lùi lại, tay kia bổ tiếp đòn nữa. Vẫn chẳng hề di dịch, vừa nghiêng người tránh đòn, lão võ sư vừa vảy luôn chiếc khăn mùi xoa vào mặt đối phương.

Chiếc khăn vừa tới mặt thì một tiếng đét vang lên. Tuy nhiên, đòn ấy xem ra chẳng hề hấn gì, gạt nước trên mặt, người đàn ông lại xấn đến. Lần này ông ta thúc thẳng đoản côn vào bụng lão võ sư. Và lần này thì lão võ sư không tránh nữa, ông vận khí đón đòn.

Vận hết sức đâm mà thấy lão võ sư vẫn đứng trơ trơ, người đàn ông lạ mặt đã thu lại binh khí không đánh tiếp nữa.

“Ông thua rồi. Nếu hôm nay tôi dùng đoản côn có giấu đầu nhọn thì ông chết chắc rồi”, người đàn ông lạ mặt ấy vênh vang.

Thấy thái độ đối phương vậy lão võ sư chỉ mỉm cười rồi thủng thẳng bảo: “Anh xem mặt mình đi”. Nghe lão võ sư nói vậy, người đàn ông ấy vội vàng đưa tay lên xoa mặt. Lúc này, ông ta mới giật mình khi thấy nhân trung mình sưng tấy to bằng đồng xu. Đó là dấu tích của nút thắt chiếc khăn để lại.

“Hôm nay tôi đấu với anh bằng khăn ấy chứ bằng thứ này thì…”, vừa nói lão võ sư vừa móc túi áo ra một chiếc khăn khác. Chiếc khăn này cũng chỉ nhỉnh hơn chiếc mùi xoa khi nãy một tẹo nhưng được làm bằng vải dù.

Ba góc của khăn được được “điểm xuyết” bằng 3 quả chùy sắt to cỡ hòn bi ve cùng 3 chiếc móc câu nhọn sắc nhọn.

Khi mọi người còn chưa kịp nhận ra thứ binh khí lợi hại ấy thì tiện tay lão võ sư vẩy luôn chiếc khăn vào gốc cây xà cừ ở ngay cạnh đấy. Những chiếc móc câu gắn trên khăn như vuốt cọp lột ngay miếng vỏ xà cừ to cỡ bàn tay.

“Nếu là khăn này thì mặt anh liệu có còn không!?”, vừa nói lão võ sư vừa thu khăn rồi đi vào trong uống trà.

Theo võ sư Phạm Xuân Tùng, chiếc khăn mà sư phụ ông luôn đem theo bên mình ấy là thứ vũ khí do tự lão võ sư sáng chế. Ông gọi thứ binh khí lợi hại ấy là thiết phi xoa.

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus