Thứ hai, 22/04/2024 | 17:55
RSS

Tiến sĩ tim mạch: Đừng ngạc nhiên khi bác sĩ không cho làm xét nghiệm mà chỉ khuyên về theo dõi và tập thể dục!

Thứ bảy, 16/09/2017, 16:35 (GMT+7)

Theo vị tiến sĩ tim mạch này, năng lực của bác sĩ có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị; không máy móc nào thay thế được vai trò của người bác sĩ.

Bác sĩ không cho làm xét nghiệm

Năng lực của bác sĩ có vai trò rất quan trọng mà máy móc không thể thay thế. Ảnh minh họa: Facebook bác sĩ

Vừa qua, clip đối thoại giữa bố một bệnh nhi và nữ bác sĩ BV Mắt Trung ương được tung lên mạng khiến dư luận xôn xao.

Theo những gì thể hiện trong clip, bố bệnh nhi này bức xúc vì nữ bác sĩ khám mắt cho con mình nhưng “chỉ vạch mắt ra xem” và cho rằng như thế là “làm việc không đàng hoàng”. Anh này yêu cầu bác sĩ dùng thiết bị máy móc khám cho con mình...

Về vấn đề vai trò của bác sĩ khi khám bệnh và máy móc, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng Phòng Can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia đã có những chia sẻ rất chí tình: Năng lực của bác sĩ có vai trò rất quan trọng trong khám chữa bệnh mà không một máy móc nào thay thế được.

Vai trò của bác sĩ

Hình ảnh nữ bác sĩ Bện viện Mắt Trung ương bị người nhà bệnh nhân phản ứng vì "khám mắt mà chỉ vạch mắt ra xem, không khám bằng máy hiện đại". Ảnh cắt từ clip

Chia sẻ này vào đúng dịp sinh nhật của anh, khi anh vừa được tặng một cuốn sách và thấy có cùng tâm sự với tác giả - một nữ bác sĩ ở Singapore.

PGS.TS Hiếu cho biết: “Tôi luôn nói với các học trò của tôi, nếu chúng ta chỉ là những cái máy kê các xét nghiệm thì cần gì phải học vất vả 6 năm rồi chuyên khoa, thạc sĩ làm gì, chỉ cần một người bình thường biết sử dụng thành thạo Google là có thể đọc kết quả của hàng đống xét nghiệm mà các bạn kê rồi chẩn đoán thay được bác sĩ...

Theo PGS.TS Hiếu, “Các bác sĩ giỏi là các bác sĩ cho các xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện, không tốn tiền và đặc biệt là không nguy hại cho bệnh nhân mà vẫn chẩn đoán được ra bệnh”.

PGS.TS Hiếu thốt lên những lời gan ruột: “Và những bệnh nhân, khách hàng thượng đế của chúng tôi, xin đừng ngạc nhiên khi một cô bác sĩ sau khi thăm khám không cho làm xét nghiệm gì mà chỉ bắt tay khuyên về theo dõi tiếp và tập thể dục”.

Đời sống Plus xin được đăng nguyên văn chia sẻ này của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

“Ngày sinh nhật, nhiều lời chúc thật ngọt ngào, đáng yêu. Thay lời cảm ơn tôi muốn viết một status mà tôi trăn trở rất lâu nhưng tình cờ được cô học trò yêu tặng quyển sách của Lý Vỹ Linh, một bác sĩ Singapore cũng có cùng tâm sự. Status về nền y tế dễ dãi và đắt tiền.

BS Nguyễn Lân Hiếu

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu rất hay hoạt động khám chữa bệnh từ thiện cho trẻ em ở những vùng khó khăn. Ảnh: Facebook bác sĩ

Tôi bắt đầu bằng câu chuyện một người bạn bị tăng huyết áp giai đoạn đầu, nhưng rất lo lắng vì cậu ta rất... giàu !!! Cậu đi hỏi khắp nơi và chọn một trung tâm mới thành lập với quảng cáo máy móc hiện đại nhất thế giới Kết quả là khi cậu ta đến gặp tôi thì huyết áp không hề giảm và chức năng thận bắt đầu bị ảnh hưởng do được chụp cắt lớp từ đầu đến chân!

Trong những năm gần đây, các bác sĩ có xu hướng cho bệnh nhân xét nghiệm rất nhiều, và rất nhiều các xét nghiệm không cần thiết, tốn tiền và đặc biệt có thể nguy hiểm cho bệnh nhân (như chụp x-quang, các thăm dò chảy máu...).

Tôi luôn nói với các học trò của tôi, nếu chúng ta chỉ là những cái máy kê các xét nghiệm thì cần gì phải học vất vả 6 năm rồi chuyên khoa, thạc sĩ làm gì, chỉ cần một người bình thường biết sử dụng thành thạo Google là có thể đọc kết quả của hàng đống xét nghiệm mà các bạn kê rồi chẩn đoán thay được bác sĩ.

Xã hội cần chúng ta chính là cần những hiểu biết kinh nghiệm của mình, để suy đoán căn bệnh sau khi hỏi bệnh và thăm khám mà thuật ngữ chuyên môn của chúng tôi gọi là chẩn đoán sơ bộ. Từ đó các bác sĩ mới đề ra các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân.

Bác sĩ khám bệnh

Các bác sĩ giỏi là các bác sĩ cho các xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện, không tốn tiền... mà vẫn chẩn đoán ra bệnh

Các bác sĩ giỏi là các bác sĩ cho các xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện, không tốn tiền và đặc biệt là không nguy hại cho bệnh nhân mà vẫn chẩn đoán được ra bệnh.

Nền y tế của chúng ta đang bị chỉ trích, tấn công ở nhiều lĩnh vực, nhưng chính chúng ta, những nhân viên y tế, cũng đã và đang làm tình hình xấu đi với các xét nghiệm đắt tiền và không hiệu quả.

Hãy dừng lại một giây trước khi ký chỉ định một xét nghiệm đắt tiền, hãy nghĩ đến người bệnh đang ngồi trước mặt mình nhỡ đâu lại là họ hàng, người thân của mình. Hãy nghĩ đến uy tín của bản thân mình và cuối cũng là quỹ Bảo hiểm Y tế rất lùng nhùng của nước ta... sắp vỡ !!!

Và những bệnh nhân, khách hàng thượng đế của chúng tôi, xin đừng ngạc nhiên khi một cô bác sĩ sau khi thăm khám không cho làm xét nghiệm gì mà chỉ bắt tay khuyên về theo dõi tiếp và tập thể dục”.

Ung thư vòm họng và dấu hiệu nhận biết. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN