Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:58
RSS

Thưa các bảo mẫu, nhân danh những người làm cha mẹ, chúng tôi không cần ép con ăn!

Thứ sáu, 17/03/2017, 11:10 (GMT+7)

"Còn lý do nữa khiến tôi cũng không muốn lên án cô bảo mẫu này, bởi, có lẽ, xét cho đến cùng, ngoài cái lỗi của cô ấy, lỗi không nhỏ vẫn thuộc về các bậc cha mẹ".

Khi cơn phẫn nộ của dư luận về những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra trên cả nước chưa kịp lắng xuống, hôm qua, cư dân mạng lại hết sức bức xúc khi xem clip về vụ một bảo mẫu quá trình cho các bé ăn đã liên tục tát, ấn vào đầu, đè ngửa, kẹp nách... rồi tống thức ăn vào miệng các cháu.

Đây không phải là lần đầu tiên những clip như thế này xuất hiện trên mạng. Và không hiểu sao, lần nào xem, tôi cũng thấy trong người trào lên một cảm giác phẫn uất khó tả, dù đó không phải là con cháu của mình.

Nhưng lần này, khi bình tĩnh ngẫm nghĩ, tôi thấy mình không nên dồn những bức xúc cá nhân lên đầu các cô bảo mẫu nữa. Bởi, dù sao, vụ việc đã được kịp thời phát hiện, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Với hành vi của mình, rồi cô bảo mẫu kia sẽ phải nhận những hình phạt thích đáng của pháp luật và của dư luận.

Còn lý do nữa khiến tôi cũng không muốn lên án cô bảo mẫu này, bởi có lẽ, xét cho đến cùng, ngoài cái lỗi của cô ấy, lỗi không nhỏ vẫn thuộc về các bậc cha mẹ. Họ đã không tìm hiểu kỹ, hoặc có thể vì nghèo, mà chấp nhận phải gửi con cho người thiếu kỹ năng, nghiệp vụ, không được đào tạo bài bản về phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ.

Họ chỉ biết gửi con mình đến rồi đưa tiền, thức ăn, còn lại đặt toàn bộ niềm tin vào bảo mẫu. Về phía mình, chắc hẳn cô bảo mẫu cũng vì chịu áp lực nào đó từ phía phụ huynh, muốn các cháu ăn ngoan, ăn khỏe, tính tình lại nóng nảy, thiếu kìm chế nên trong lúc bức xúc, mới có những hành xử như vậy.

bạo hành trẻ em1

Bảo mẫu liên tục đánh, kẹp chặt đứa trẻ để ép ăn. Ảnh cắt từ clip

Vì vậy, điểm mấu chốt của vấn đề đó chính là giữa phụ huynh học sinh với cô bảo mẫu kia đã không có sự thỏa thuận sòng phẳng cần thiết khi trao - nhận cháu bé.

Theo tôi cảm nhận, ở độ tuổi các bé từ vài tháng đến vài năm, nhiều bậc phụ huynh cho con đến lớp với mong muốn chủ yếu là cháu được “vào khuôn khổ”. Nghĩa là ăn, uống, ngủ, nghỉ điều độ. Nói năng biết thưa gửi, chào hỏi, lễ phép. Cái đó thì đương nhiên rồi.

Nhưng có lẽ, vì đoán được một phần tâm lý của các phụ huynh là muốn con em mình ăn khỏe, lớn nhanh, ăn hết đồ bố mẹ gửi nên các bảo mẫu đã nảy sinh tư tưởng… nhồi cho các cháu ăn bằng mọi giá. Bất kể các cháu có muốn ăn hay không. Cũng chẳng cần biết mong muốn của các cháu khi ăn là gì. Cứ làm sao để nhét được vào miệng các cháu càng nhiều thức ăn, sữa uống càng tốt.

Các cháu mà có phản ứng quay đi thì lại bẻ đầu lại. Có muốn nhè ra thì lại bị cô dùng vũ lực đẩy vào. Một kiểu cho ăn đầy khiên cưỡng không khác gì tra tấn là mấy. Nó chắc chắn khác xa với cách mà bố mẹ, ông bà các cháu cho ăn ở nhà.

Nơi đó, vừa cho ăn, bố mẹ vừa trò chuyện, nịnh nọt, thậm chí còn có cả cảnh người bưng bát, người xúc thìa, người hát, người vỗ tay, nhảy múa để bé cười ăn. Tất nhiên, tôi không ủng hộ kiểu cho ăn như “diễn chèo” vừa tốn công, tốn sức vừa phản khoa học ấy.

Tôi chỉ muốn nói rằng, chính vì đang quen được cho ăn theo kiểu nhẹ nhàng, nơi mình được đặt ở vị trí “cục cưng”, nay bị ép ăn kiểu nhồi nhét, nên các bé khó có thể nuốt trôi một cách thoải mái được. Động tác đầu tiên của các bé là sẽ phản ứng lại. Nhất là khi các bé đang bị mệt, gặp thời tiết khó chịu.

bạo hành trẻ em2

Trẻ mầm non bị bạo hành đến bầm tím 2 đùi. Ảnh Thanh Niên

Sự phản ứng ấy khi gặp quyết tâm chăm chút lấy thành tích bằng mọi giá của bảo mẫu tất nhiên sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Đương nhiên các cháu sẽ bị thua. Và bảo mẫu, với sự bực dọc, thiếu kiềm chế của mình sẽ phải dùng cả bạo lực, thậm chí là những đòn không nên dùng với đứa trẻ để chiến thắng.

Đó là chiến thắng, nhưng cũng chính là sự thất bại của bảo mẫu trong phương pháp giáo dục Không chỉ gây đau đớn về thể xác cho cháu bé, sự thô bạo, hung tợn của cô giáo, bảo mẫu sẽ khiến trẻ sợ hãi, nghĩ đến bữa ăn như một buổi tra tấn.

Nơi đó, chúng không có quyền ý kiến, chỉ biết lặng lẽ mở miệng trệu trạo nhai và nuốt. Có khi nước mắt hòa cùng với thức ăn. Và tâm lý sợ hãi ấy sẽ theo chúng về đến nhà, khiến bố mẹ không hiểu lý do để điều chỉnh, chia sẻ.

Với lập luận ấy, theo tôi, thay vì lên án, lăng mạ, kêu gọi xử lý các cô giáo, bảo mẫu nuôi bé theo kiểu “chăn gà” ấy, các bậc làm cha mẹ, chúng ta hãy mạnh mẽ đến gặp và nói thẳng với cô giáo, bảo mẫu rằng: Chúng tôi không cần các cô phải chăm con tôi theo kiểu nuôi gà.

Chúng tôi không cần cái bụng no của chúng và sự tăng cân, trong khi chúng về nhà với sự sợ sệt, nhìn thấy bát ăn là lắc đầu ngán ngẩm. Chúng tôi cần các cô tạo cho các cháu một môi trường phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn trí tuệ, tâm hồn. Ở đó, chúng được sống đúng với sự hồn nhiên, trong trẻo vốn có.

Tôi tin rằng, khi nghe những lời thẳng thắn ấy, chắc chắn, các cô giáo, các vị bảo mẫu sẽ nhẹ lòng hơn, bớt đi áp lực hơn khi chăm sóc con trẻ của mình. Và từ đó, cũng ít đi những vụ bạo hành đáng tiếc mà chúng ta vẫn nhói lòng mỗi khi thấy nó xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng!

Chiến Văn
Theo Đời sống Plus