Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:46
RSS

Thanh Hóa: người dân thống khổ "than trời" sau mưa lũ

Thứ bảy, 14/10/2017, 16:30 (GMT+7)

Dù mưa lũ ở Thanh Hóa không còn diễn biến phức tạp nhưng hàng ngàn nhân khẩu tại Thạch Định vẫn trong cảnh tạm bợ, khó khăn đủ bề…

Nỗi thống khổ của người dân sau mưa lũ ở Thanh Hóa khi không có nhà cửa
Người dân sống cảnh màn trời chiếu đất vì mưa lũ ở Thanh Hóa

Chia sẻ về nỗi thống khổ của người dân sau mưa lũ ở Thanh Hóa, ông Vũ Trọng Hùng – Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết, vừa qua toàn xã có 658 hộ với 2.933 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn để chạy lũ. 

Nỗi thống khổ của người dân sau mưa lũ ở Thanh Hóa

Hiện tại mực nước rút xuống rất chậm, phần lớn nhà cửa vẫn bị ngập sâu. Một số người sốt ruột chèo thuyền về kiểm tra tình hình nhưng rồi phải rút ra ngày vì điều kiện lúc này chưa đảm bảo, theo báo NNVN.

Đến giờ nhiều người vẫn không khỏi ám ảnh phút giây đối mặt với tử thần: “Sau 10 năm, trận lũ lịch sử lại tái hiện. Nước sông Bưởi lên rất nhanh dữ dội và tràn qua mặt đê, lúc đó ai cũng hoảng loạn, hô hào nhau chạy để bảo toàn tính mạng, thật khủng khiếp”, ông Nguyễn Văn Nhiên, một người dân xã Thạch Định bàng hoàng.

Qua ghi nhận tình tình, hiện nhiều thôn trên địa bàn xã Thạch Định vẫn bị ngập sâu trong dòng nước đục ngầu. Không thể trở về, các hộ dân đành phải sống “tạm bợ” tại các trường học, trạm xá hoặc ngay trong những chiếc lều lụp sụp, rách nát.

Chủ tịch Vũ Trọng Hùng tiết lộ thêm, những ngày qua địa phương nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp ngành và doanh nghiệp hảo tâm. Đến thời điểm hiện tại, bà con đã nhận được khoảng 1.500 thùng mì tôm và nước uống cùng nhiều vật dụng nhu yếu phẩm khác.

Tích cực khắc phục hậu quả sau lũ

Theo báo cáo đến 17h ngày 13/10 của Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 15 người chết, năm người mất tích, năm người bị thương do mưa lũ, 45 nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn, gần 28 nghìn nhà dân ngập nước, 144 nhà ở ảnh hưởng do sạt lở đất. 

Sáu cơ sở y tế, 10 điểm trường, 44 phòng học bị ngập, ảnh hưởng sạt lở đất, hư hỏng; hai cơ sở văn hóa bị sập, hư hỏng. Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; mạng lưới giao thông truyền tải điện, thông tin liên lạc bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra. Ngành Công thương, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đưa gần 8.000 thùng mỳ tôm, 1.825 kg lương khô, 5.475 lít, 3.000 chai nước cứu trợ nhân dân nơi sơ tán, bị cô lập do lũ.

Chia khó với người dân vùng lũ, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Phật giáo thành phố Thanh Hóa cùng đoàn viên thanh niên, phụ nữ xã tổ chức nấu cơm, cấp phát 2.000 suất ăn mỗi ngày cùng nước sạch tới tận tay nhân dân đang bị nước cô lập do lũ ở xã Thiệu Dương. Huyện Lang Chánh hỗ trợ 10 hộ dân bị sập nhà, lũ cuốn trôi, tổng 200 triệu đồng để tạo dựng lại nhà ở.

Trước mắt tỉnh Thanh Hóa bố trí nguồn các tỉnh, thành bạn hỗ trợ cùng ngân sách dự phòng của tỉnh trợ giúp nhân dân, các địa phương trong tỉnh ổn định cuộc sống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Mặt trận Tổ quốc tỉnh kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trợ giúp về tinh thần, vật chất, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận 50 triệu đồng từ tập thể Sở Công thương hỗ trợ nhân dân các địa phương bị ngập lụt. Đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà cho bảy gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ngập lụt tại xã Tượng Sơn và trao 232 thùng mì tôm cho các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ tại xã Trung Thành, huyện Nông Cống. 

Các đoàn công tác của tỉnh, các ngành cấp tỉnh, các huyện bạn cùng các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân hảo tâm đang triển khai công tác cứu trợ; cùng nhân dân các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN