Thứ năm, 25/04/2024 | 05:54
RSS

Tâm sự của một con Lợn: "Khi chúng tôi khóc chỉ nuốt nước mắt vào trong"

Thứ bảy, 29/04/2017, 07:32 (GMT+7)

"Khi khóc, chúng tôi vẫn kêu "ụt ịt" như bình thường thôi. Và không nhỏ nước mắt như các anh bạn 4 chân to lềnh khềnh khác. Chúng tôi nuốt nước mắt vào trong".

Ụt ịt... ụt ịt... ụt ịt!

Chào thế giới loài người! Chắc mọi người chưa bao giờ nghe hoặc trông thấy họ lợn nhà chúng tôi khóc nhỉ? Còn hét toáng lên, kêu eng éc khi bị chọc tiết thì chắc loài người các anh các chị chẳng lạ lẫm gì rồi.

Khi khóc, chúng tôi vẫn kêu "ụt ịt" như bình thường thôi. Và không nhỏ nước mắt như các anh bạn 4 chân to lềnh khềnh khác. Chúng tôi nuốt nước mắt vào trong loài người ạ. Thế nên, ít khi loài người nhìn thấy giống lợn chúng tôi khóc lắm.

Mà thật ra, chúng tôi cũng hiếm khi phải khóc. Trừ lút hét toáng, giãy giụa khi bị loài người các anh dùng con dao nhọn hoắt, sắc lẹm xiên lạnh lùng, không thương tiếc vào điểm hiểm yếu.

Chúng tôi hét lên vì đau đớn về thể xác thôi, chứ thực ra, cũng chẳng phải khóc vì thương phận mình hay trách loài người ác độc, cạn tình. Giống lợn chúng tôi tự biết được vị thế của mình, sinh ra chỉ để làm thức ăn, làm món khoái khẩu cho loài người, nên số phận do con người định đoạt.

Từ những chú lợn sữa đến những bà sề già, cũng đều chung cảnh ngộ như nhau, đó là được con người cho vào nhiều gia vị, chế biến thành đủ món, rồi nằm chềnh ễnh lên bàn ăn.

Đời người sống cũng chỉ một lần. Giống lợn nhà chúng tôi cũng vậy, nên chúng tôi hồn nhiên, hoan hỉ chấp nhận.

Nhưng, hôm nay tôi không nhịn được nữa, đã khóc, khóc thật sự. Khóc vì thấy trên báo mạng, lẫn các hệ thống phát thanh truyền hình, người ta ầm ào bàn tán về chuyện "giải cứu lợn". Ơ, giải cứu gì? Chúng tôi đâu cần ai giải cứu? Giải cứu khỏi loài người để chúng tôi trở thành những con lợn tự nhiên, sống vạ vật, làm mồi cho các loài mãnh thú khác ư?

Chúng tôi đâu có đòi hỏi điều đó? Thú thực, ban đầu, khi nghe các nguồn thông tin tràn ngập ấy, tôi đã hồn nhiên nghĩ vậy. Nhưng, ngẫm kỹ, hóa ra không phải. "Giải cứu lợn" là cách nói tắt của loài người, ám chỉ hành động khác.

Loài người các bạn không yêu thương chúng tôi đến vậy, mà chỉ muốn giải cứu cho đồng loại, đó là những người dân chăm nuôi chúng tôi.

Một bức ảnh khiến nhiều người suy nghĩ. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Từ mấy tháng nay, mỗi khi cho tôi và các bạn ăn, cô chủ nhà cứ nước mắt ngắn nước mắt dài. Có hôm, tôi thấy cô đổ thức ăn cho mình mà nước mắt còn rơi theo lã chã, làm bữa cám của tôi mằn mặn, mất ngon. Định bỏ ăn, nhưng nghĩ, sợ cô chủ lại buồn hơn nên tôi bụng bảo dạ phải gắng ăn cho hết.

Cậu lợn choai chuồng bên cạnh tôi còn ụt ịt kể, đâu đó mạn Hải Dương, có cặp vợ chồng đánh cãi nhau ầm ĩ ngay tại khu chuồng, vì điên loạn do giá thịt của chúng tôi xuống thấp quá.

Cùng quẫn, phẫn uất quá, chị vợ đã thắt cổ chết ngay tại chuồng, khiến cả đám lợn hôm đó tiếc thương không tài nào mà ăn ngủ được, dù cái đó là thế mạnh của chúng tôi. Chẳng biết thực hư câu chuyện đó thế nào, nhưng tôi tin cu lợn choai chuồng bên không dám phét lác.

Cứ nhìn chị chủ nhà tôi thì biết. Nhiều hôm, đang giấc ngủ say, mơ mình thành giống người, được ăn thịt tất cả các loài vật khác, tôi giật mình tỉnh giấc khi nghe thấy anh chị chủ nhà cãi cọ, dằn hắt nhau. Người thì muốn bán tống tháo chúng tôi đi. Người thì nằn nỉ xin giữ lại, đợi mấy hôm nữa biết đâu chúng tôi lên giá.

Có lúc, còn thấy họ thở dài thườn thượt, than vãn, miệng luôn cầu khẩn, kêu "Trời". Dù là giống bị nhiếc là "ngu", nhưng tôi cũng ngẫm ra rằng, nếu giá trị của chúng tôi cứ hùa nhau đi xuống, chuyện chị vợ, anh chồng kia cùng quẫn thắt cổ trước chuồng có gì lạ lẫm lắm đâu?

Loài người mà, họ sợ chết lắm, nhưng tôi biết, nếu sống mà ngập trong nợ nần, bí bách, có lẽ họ thà chết còn hơn. Có lần, chị chủ tôi còn lẩn thẩn ước: "Giá như tao được làm kiếp lợn như mày, chỉ vô tư hết ăn rồi ngủ, chẳng phải lo nghĩ gì. Làm người nông dân khổ quá".

Lúc đó, tôi ụt ịt quẫy đuôi, chê chị ngu. Sau ngẫm lại, thấy xót xa cho chị. Đó là lần đầu tiên tôi khóc, và gần như thức trắng đêm.

Thương anh chị chủ, tôi bảo đám bạn cùng lứa và đám choai choai: "Hay chúng mình ăn ít đi, để chủ nhà bớt tiền cám bã?". Vừa nói, chúng hùa nhau bảo tôi lợn già mà ngu quá thể, thương như thế có bằng hại chủ nhà à?

Nếu không ăn, chúng tôi gày còm, ốm yếu, khách đến mua họ chê, họ gièm giá thì sao? Có phải lúc đó ông bà chủ càng khổ hơn không? Tôi nhận ra mình ngu, lại ụt ịt kêu gọi đám bạn ăn khỏe hơn, để động viên chủ nhà, để khi khách đến không có điều gì phải chê bai nữa. Ấy vậy mà lợn tính không bằng người tính.

Giá reo rớt thê thảm khiến người dân điêu đứng. Ảnh:Youtube.com

Cái bọn thương lái lắm mồm khi đến mua nó lại chê ỏng chê eo, bảo chúng tôi béo nần nẫn thế này, lắm mỡ, hao thịt, khó bán... rồi đủ thứ trên đời. Chúng lại càng ép giá chúng tôi hơn. Chị chủ nhà đương nhiên không chịu bán với giá lỗ vốn, ngậm ngùi từ chối.

Và như thường lệ, khi khách về, tôi lại thấy bà chủ của tôi gục đầu ở thành chuồng, khóc nức nở, kêu nghe còn thê lương hơn lúc chúng tôi bị cắt tiết. Lúc đó tôi mới hiểu thêm, hóa ra, con người thật lạ, không phải cứ khi bị cắt tiết họ mới biết hét lên vì đớn đau.

Nói về chuyện giải cứu chúng tôi, thực ra là giải cứu ông bà chủ tôi, hay nói rộng ra là người chăn nuôi loài lợn, mới nghe tôi thấy phấn khởi lắm. Tâm sự với lão bạn nằm chung chuồng, hắn tỉnh bơ rồi ụt ịt nghe đầy từng trải: "Trông chờ gì! Loài người chỉ hô hào là giỏi, còn thực tế thế nào phải chờ đã.

Họ hô hào giải cứu nông sản đấy, bao nhiêu năm rồi đấy, có thay đổi được mấy đâu. Chuyện lợi dụng bọn mình để làm giàu nó phức tạp lắm, không chỉ đơn giản vài lời hô hào suông, cứ chém gió um lên "giải cứu, giải cứu" là xong đâu".

Nghe lão lợn đồng niên nói, tôi ngẫm nghĩ một hồi, và cũng thấy thế thật. Thương ông bà chủ lắm, thương những người cho chúng tôi ăn để thịt chúng tôi lắm, nhưng tôi cũng giận họ.

Sao không tìm đầu ra ổn định vững chắc, cứ chăn nuôi ngẫu hứng, bột phát, đầy tính adua và mạo hiểm thế làm gì, để rồi khổ ra. Tôi còn nghe đâu, loài người có cả các cơ quan để hỗ trợ các ông bà chủ của tôi nữa, chẳng hiểu, lúc này họ đang làm gì, có biết, nước mắt của những người nuôi chúng tôi đang lã chã rơi.

Thương người chăn nuôi lắm! Giận họ lắm! Nhưng có nói thì cũng chẳng ai hiểu. Thôi đành ụt ịt nằm cầu mong những điều tốt lành đến với những người nuôi lợn, lặng lẽ nuốt nước mắt vào lòng. Để bà chủ nhìn thấy tôi khóc, chắc bà chủ lại càng buồn hơn.

Thôi, phận là lợn, tôi đành làm tốt vai trò của mình, là ăn và ngủ khỏe vậy. Thế cũng là cách để "giải cứu" cho ông bà chủ rồi, phải không?

Ụt ịt, ụt ịt, ụt ịt...!!!

 

Chiến Văn
Theo Đời sống Plus