Thứ năm, 25/04/2024 | 11:15
RSS

Tâm sự bác sĩ: Những gương mặt mùa dịch tay chân miệng

Thứ sáu, 28/09/2018, 16:10 (GMT+7)

"Mặt mũi dân chống dịch thì te tua tơi tả, căng hơn khi bệnh vô liên tục, nói to hơn vì ai cũng bận có thể không nghe kịp" - bác sĩ Trương Hữu Khanh Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM tâm sự.

Tâm sự bác sĩ: Những gương mặt mùa dịch tay chân miệng
Bệnh nhi tay chân miệng tại khoa Nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, tay chân được buộc chặt vào thành giường tránh co giật (Ảnh Ăn Đức/Vietnamnet)

Những ngày qua, đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện Nhi của TP.HCM đang căng mình chống các loại dịch bệnh lây lan cho trẻ em vào mùa.

Tại bệnh viên Nhi đồng 1, lượng trẻ nhập viện điều trị vì bệnh tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với tháng trước. 12 y bác sĩ ở khoa Nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 đang phải căng sức chăm sóc, điều trị cho 179 bệnh nhi. 

Trong thời điểm này, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM đã có những chia sẻ về nỗi niềm của các bác sĩ mùa chống dịch.

Đời sống Plus xin giới thiệu đến bạn đọc tâm sự của BS Trương Hữu Khanh được chia sẻ trên trang facebook cá nhân:

Nhiều năm làm nghề, nhiều lần chống dịch, rất nhiều lần cảm thấy căng thẳng và cũng qua trong tâm trạng bâng khuâng phải chi biết trước, nếu đủ thời gian, nhân lực đồng lòng và đồng đều hơn chắc sẽ gọn và tốt hơn.

Mùa chống dịch dạy đàn em lớn thêm, nhạy bén hơn, sức chịu đựng tăng dần. Nhưng vài đứa quá sức phải ngừng cuộc chiến.

Bệnh không vào mùa dịch làm việc đều đều, ca hay ca khó đều được bàn luận chi tiết nhớ tên, nhớ bệnh sử...

Bệnh nhi mùa chống dịch không thể nhớ nổi chỉ nhớ gương mặt, cần thì xem vòng tay có ghi tên. 

Tâm sự bác sĩ: Những gương mặt mùa dịch tay chân miệng
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM​

Trẻ tay chân miệng cần theo dõi sát nên cách ly bố mẹ. Đứa mới vô phòng còn tỉnh táo không hiểu vì sao phải xa mẹ gương mặt mếu khóc đòi người thân. Có khi nặng hơn chỉ vài tiếng khóc rồi thiêm thiếp li bì...

Khó mà có thể quen dần nét mặt thất thần lo lắng của phụ huynh khi con nằm lại trong phòng cấp cứu, rồi nhiều gương mặt cảm xúc giống nhau lo lắng chia sẻ với nhau chờ đến giờ vào thăm.

Mặt mũi dân chống dịch thì te tua tơi tả, căng hơn khi bệnh vô liên tục, nói to hơn vì ai cũng bận có thể không nghe kịp, vì trong phòng nhiều tiếng khóc, cập rập hơn khi có bé cần làm gấp, luồn lách, bước nhanh hơn vì gấp và chật chội, tư duy nhanh hơn khi cần phối hợp hội chẩn, mượn thuốc, xin dụng cụ, bàn giao bệnh.

Cũng những câu nói quen thuộc khi ra ca trực, đêm qua em không ăn tối được bác, chỉ vội ăn cái bánh bao hay cây xúc xích; đêm qua em đi lại suốt đêm thầy ơi. Nhưng ẩn sau đó là sự hài lòng vì đêm trực “bình yên chỉ có chạy liên miên như vịt” giúp được nhiều bé và nghỉ ngơi tiếp tục chiến đấu.

Cũng thú vị với những gương mặt dùng chiêu giả vờ của mấy nhóc con. Vờ đi tè, vờ đòi bú vì biết chắc tè hay bú sẽ được mẹ vào chăm. “Đái đái, sữa sữa” vừa khóc vừa nói. Mấy cô điều dưỡng và bác sĩ thì quá quen chiêu này, đái vô tã luôn con, tã khô queo mà tè gì, mới bú sữa gì nữa. Chắc các nhóc thấy mấy cô mấy bác mệt nên vờ cho thư giãn...



Xem thêm chữa viêm họng, ho có đờm bằng quả sung và củ gừng cực hiệu quả
Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN