Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:18
RSS

Tai nạn tàu hỏa tông xe tải ở Thanh Hóa: Ai bồi thường?

Thứ bảy, 26/05/2018, 09:50 (GMT+7)

Liên quan đến vụ tai nạn tàu hỏa tông xe tải ở Thanh Hóa, luật sư đã tiết lộ người phải bồi thường những thiệt hại về tính mạng, tài sản cho hành khách.

Tai nạn tàu hỏa tông xe tải ở Thanh Hóa: Ai bồi thường?
Hiện trường tai nạn tàu hỏa tông xe tải ở Thanh Hóa Ảnh Người đưa tin.

Trong tiến trình điều tra vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa khiến hơn 10 thương vong trong đó có 2 lái tàu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai nhân viên gác chắn về hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ tại nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với 02 bị can trên.

Câu hỏi đặt ra lúc này, ngoài việc xử lý cá nhân có sai phạm trong vu tai nạn tàu hỏa thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân. Để làm rõ vấn đề dư luận đang quan tâm, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã trả lời cụ thể. 

Theo chia sẻ của luật sư Thơm trên báo Kiến thức, về nguyên tắc, người nào có lỗi gây ra thiệt hại ngoài trách nhiệm hình sự thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe tài sản theo quy định tại Điều 584, 589, 590, 591 Bộ luật dân sự 2015.

Tuy nhiên, nhân viên gác Barie là người của pháp nhân nên khi xảy ra vụ việc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó, Tổng công ty đường sắt phải bồi thường đầu tiên, bồi thường những thiệt hại về tính mạng, tài sản.

Bên cạnh đó, một chuyên gia pháp lý khác cũng cho biết trên Người đưa tin, chúng ta cần xác định tội danh của các chủ thể vì tội danh rất quan trọng, tội danh có thể dẫn tới khung phạt. Xác định đúng người, đúng tội danh mới quan trọng.

Như thông tin ban đầu được nêu, hai nhân viên gác barie ngủ quên dẫn tới xe tải băng qua đường sắt không có cảnh báo thì trách nhiệm chính ở đây là hai nhân viên này. Đó là trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra còn có vấn đề phân công của cấp trên – cấp chỉ đạo trực tiếp của hai người này, họ có sao nhãng hay có đôn đốc, phân công nhân viên hay không hoặc có tổ chức ăn uống mà để xảy ra sự việc, cả hai nhân viên gác chắn cùng ngủ quên.

“Việc xác định người liên đới, qua quá trình điều tra của cơ quan chức năng mới xác định được. Ngoài ra, bên ngành đường sắt phải chịu trách nhiệm vấn đề bồi thường dân sự về tài sản, sức khỏe, tính mạng, thiệt hại của những người khác do ngành đường sắt gây ra”, vị chuyên gia này phân tích.


Xem thêm: Tai nạn tàu hỏa kinh hoàng ở Thanh Hóa

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN