Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:50
RSS

Tác giả đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia đã nhầm lẫn?

Thứ hai, 25/06/2018, 21:55 (GMT+7)

Thầy Nguyễn Văn Thuật - Giảng viên, Trưởng bộ môn Địa Lý, Đại học Đồng Nai đã chỉ ra điểm được cho là sai sót trong đề thi Ngữ văn.

Theo Dân Việt, thầy Nguyễn Văn Thuật - Giảng viên, Trưởng bộ môn Địa Lý, Đại học Đồng Nai đã chỉ ra điểm được cho là sai sót trong đề thi Ngữ văn. Cụ thể trong câu số 2, phần đọc hiểu, đề thi hỏi: "Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?" có sự nhầm lẫn.

Theo thầy Thuật, ai học Địa Lý cũng đều biết: đất, khí hậu, địa hình, khoáng sản, biển, sông ngòi, rừng là các thành phần tự nhiên. Trong mỗi thành phần tự nhiên lại có các yếu tố tự nhiên, ví dụ: nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa... là các yếu tố thành phần khí hậu.

Trong khi đó, đề thi yêu cầu kể ra các yếu tố tự nhiên của đất nước trong đoạn trích nhưng đoạn trích không hề có một yếu tố tự nhiên nào ngoài từ “phù sa”. "Tôi muốn nhấn mạnh về nội dung chuyên môn là tác giả ra đề thi đã lẫn lộn giữa 2 khái niệm thành phần tự nhiên và yếu tố tự nhiên", thầy Thuật khẳng định.

Nhận định về khả năng cho điểm của câu hỏi có sai sót này, thầy Thuật cho hay: "Trong đoạn thơ có nhiều thành phần tự nhiên nhưng chỉ duy nhất có một yếu tố tự nhiên là phù sa. Theo tôi, nếu thí sinh có thể chỉ ra được "phù sa" là yếu tố tự nhiên duy nhất trong đoạn thơ thì phải cho điểm tối đa bởi vì em ấy quá giỏi, còn em nào không trả lời được yếu tố nào thì cũng nên cho một nửa số điểm".

Tác giả đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia đã nhầm lẫn
Đề thi môn Văn. Ảnh: Dân Việt

Trong khi đó, cô Trịnh Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Chuyên Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét trên báo Vietnamnet: Đề thi có tính phân hóa cao, gần gũi mà không mòn cũ, kiểm tra được được kiến thức kĩ năng mà vẫn giữ được đặc trưng bộ môn, không bị "giáo dục công dân hóa".

Đề thi tạo được hứng thú cho học trò vì góc nhìn chân thực, mang tính phản biện, không giáo điều, từ chương. Câu nghị luận xã hội không đánh đố, có tính định hướng tốt, vấn đề bao quát, chạm đến lẽ sống muôn đời nhưng vẫn gợi được tính thời đại, thời sự, không bị gò ép. Bên cạnh đó, Ngữ liệu của đề không có trong sách giáo khoa, được lựa chọn khá hay, thú vị hấp dẫn, cách triển khai ngữ liệu hợp lý.

Cô giáo Bùi Thu Hằng, tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn (Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, câu trúc đề thi bám sát đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố.

Phân tích kỹ hơn, cô Hằng thấy: Phần Đọc hiểu đảm bảo các yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung "đánh thức tiềm lực" đất nước gần như xuyên suốt yêu cầu của đề văn, trừ câu 2 phần nghị luận văn học.

Đây là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, với học sinh thì ngay bản thân vấn đề đưa ra với các em đã có tính phân loại. Vấn đề tiềm lực nói ở đây không chỉ chỉ là vật chất như khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa… mà còn là vấn đề tiềm lực con người, tiềm lực trí tuệ.

"Tôi ấn tượng với câu hỏi số 4 phần Đọc hiểu và câu số 1 phần Làm văn. Đây là 2 câu hỏi có tính phân hóa rất rõ, đòi hỏi chính kiến, quan điểm học sinh rất rõ ràng, suy nghĩ sâu sắc mới có thể trả lời tốt câu hỏi này".


Xem thêm: Xe đặc chủng, xuồng cứu hộ đón thí sinh thi THPT Quốc gia ở Hà Giang

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN