Thứ tư, 24/04/2024 | 23:14
RSS

Số người đăng ký hiến tạng tăng đột biến sau ca hiến giác mạc của cô bé 7 tuổi Hải An

Thứ sáu, 02/03/2018, 19:37 (GMT+7)

Sau sự ra đi của Hải An, câu chuyện của cô bé không chỉ gây xúc động mạnh mà còn làm thay đổi quan niệm của rất nhiều người về việc hiến tạng.

số người hiến tạng tăng độ biến sau ca hiến giác mạc của bé Hải An
Sau nghĩa cử cao đẹp hiến giác mạc của bé Hải An đã có rất nhiều người tại Hà Nội đăng ký hiến tạng. Nguồng Sức khoẻ và đời sống

Ngày 22/2, cô bé 7 tuổi Hải An ra đi vì bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Mẹ bé và gia đình quyết tặng hiến tặng giác mạc của bé để trao ánh sáng cho những người khác.

Trong lễ tang của bé ngày 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời từ biệt. Bộ trưởng viết “Bé đã làm được một điều khó tin nhưng là sự thật” và "món quà này thực sự là một viên ngọc sáng giữa đời".

Ngày 26/2, hai người đã được ghép giác mạc hiến tặng của bé Hải An là một cụ bà 73 tuổi và một bệnh nhân nam 42 tuổi. Hiện cả hai đều tiến triển tốt về khả năng nhìn.

Quyết định này của bé Hải An và gia đình đã tạo nên một làn sóng xúc động mạnh trong cộng đồng, thúc đẩy mọi người nhìn nhận lại về vấn đề hiến tạng

Trong một bài báo gần đây, Đời sống Plus có đưa tin về việc trong những ngày qua, có rất nhiều người đã viết đơn đăng ký xin hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Hà Nội).

"Ngọn lửa Hải An" đã thực sự làm lay động trái tim của hàng vạn người trên cả nước. Và điều tuyệt vời là tại TP.Hồ Chí Minh, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ trong 3 ngày (26 - 28/2) đã nhận được hơn 100 đơn xin hiến tạng. Con số này tăng vọt so với trước đây chính là nhờ hiệu ứng xã hội của cộng đồng sau nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và gia đình.

số người hiến tạng tăng độ biến sau ca hiến giác mạc của bé Hải An 2
Số người đăng ký hiến tạng tại TP.Hồ Chí Minh đã tăng đột biến. Nguồn: Infonet

Tại TP.HCM, có gia đình cả 8 người cùng đăng ký hiến tạng như gia đình ông Phạm Phúc Thịnh với quan niệm: "Nếu tất cả mọi người biết đồng lòng sẻ chia, cho đi mà không mong nhận lại, thì nền tảng đạo đức xã hội sẽ tốt hơn. Càng thêm nhiều người hiến tạng càng gia tăng số bệnh nhân được cứu sống, như thế cái chết sẽ không phải là dấu chấm hết"

Nhờ sự lan tỏa của những điều tốt đẹp này, người dân đã biết nhiều hơn, hiểu hơn về việc hiến tạng. Đến nay, tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy đã có hơn 5.000 đơn xin hiến tạng, mặc dù vẫn là con số rất nhỏ so với hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, nhưng vẫn là những dấu hiệu đáng mừng.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang có hơn 150 bệnh nhân trong danh sách chờ được ghép thận tim. Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc vận động nguồn hiến nhưng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người vẫn đang nỗ lực mỗi ngày, trong đó có cả việc gây dựng quỹ hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo để họ có cơ hội được ghép tạng.

Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).


Theo Infonet/SK&ĐS