Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:18
RSS

Úc: "Rộ mốt" trả thù khiêu dâm, ảnh nóng lan tràn mạng xã hội

Thứ ba, 09/05/2017, 07:38 (GMT+7)

Theo điều tra, cứ 5 người Úc thì có 1 người bị phát tán "ảnh nóng" khiến họ rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ và tuyệt vọng.

Đài BBC (Anh) hôm 8/5 cho biết nghiên cứu do hai trường ĐH RMIT và Monash (đều của Úc) tiến hành. Theo đó, cứ 5 người Úc thì có 1 người bị phát tán "ảnh nóng". Trong số 4.200 người tham gia khảo sát, hai trường ĐH RMIT và Monash nhận thấy số đàn ông và phụ nữ bị "trả thù khiêu dâm" là bằng nhau.

Các nhóm thiểu số bao gồm người Úc bản địa, khuyết tật, chuyển giới, đồng tính… có nguy cơ trở thành nạn nhân cao hơn. Hiện chỉ có hai tiểu bang Victoria và Nam Úc ban hành luật chống phán tán hình ảnh trái phép.

Trả thù khiêu dâm được thực hiện trên mạng Internet. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc phát tán "ảnh nóng" mà không được sự cho phép nên cấu thành hành vi tội phạm, đồng thời đề nghị chính phủ thành lập đường dây nóng giống như Anh từng làm vào năm 2015.

TS Nicola Henry, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Vấn đề nêu trên chắc chắn khiến luật pháp và chính sách của chúng ta phải vật lộn để đối phó. Hình ảnh được sử dụng để kiểm soát, lạm dụng và làm nhục người khác".

Trước đó hồi tháng 4, Facebook ra công cụ chống việc trả thù bằng ảnh khiêu dâm. Laura Higgins, người sáng lập ra Revenge Porn Helpline (Đường dây nóng trợ giúp các nạn nhân bị trả thù bằng ảnh khiêu dâm) ở Anh đã lên tiếng ủng hộ những thay đổi mới này. "Quá trình mới sẽ giúp đảm bảo cho nhiều nạn nhân bị lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh, làm giảm đáng kể lượng nội dung độc hại trên nền tảng mạng xã hội", Higgins nói.

Những hình ảnh khiêu dâm vẫn được coi là riêng tư bởi đối tượng sẽ phải chịu đựng "sự căng thẳng nghiêm trọng về tinh thần". Ảnh minh họa

Bởi vì không chỉ ở Úc, ở Anh cũng xảy ra chuyện tương tự. Hồi tháng 4/2015, 206 người ở Anh và xứ Wales đã bị truy tố vì hành vi chia sẻ hình ảnh, video khiêu dâm cá nhân mà không được sự đồng ý của chủ thể.

Về mặt pháp lý, việc trả thù bằng nội dung khiêu dâm được xem xét rất khác nhau tùy từng khu vực bởi vấn đề chính được đặt ra là liệu hình ảnh đó có phải do nhân vật tự đăng hay được người khác đưa lên. Tuy nhiên, một số quốc gia và khu vực đã bổ sung luật để xác định đây là hành vi phạm tội. Ví dụ ở California (Mỹ), dù được các bên đồng ý, những hình ảnh khiêu dâm vẫn được coi là riêng tư bởi đối tượng sẽ phải chịu đựng "sự căng thẳng nghiêm trọng về tinh thần".

Cũng trong năm 2015, một bé gái 14 tuổi đã kiện Facebook vì đăng ảnh khỏa thân của em lên một "trang bôi xấu" mà không được phép. Vấn đề là bức ảnh đó đã được xóa đi nhiều lần nhưng vẫn xuất hiện trở lại. Facebook đã không làm gì để ngăn chặn tình trạng này một cách dứt điểm.

Thái Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus