Thứ bảy, 20/04/2024 | 07:08
RSS

Quốc hội tán thành luật hóa đặt cược thể thao

Thứ năm, 14/06/2018, 15:05 (GMT+7)

Sáng 14/6, với gần 94% đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thể dục, thể thao. Trong đó, tán thành luật hóa đặt cược thể thao.

Quốc hội tán thành luật hóa đặt cược thể thao
Quốc hội tán thành luật hóa đặt cược thể thao. Ảnh Thanh niên.

Sáng nay, 14/6, với 93,84% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thể dục, thể thao đã chính thức được Quốc hội thông qua. Một trong những điểm mới nhất tại Luật này là lần đầu tiên quy định về đặt cược thể thao được hợp pháp hóa.

Theo đó, đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược, theo Tri thức trực tuyến. 

Kinh doanh đặt cược thể thao phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao.

Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.

Chính phủ quyết định đanh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao. Về vấn đề này, đầu năm 2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế

Được biết, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã chính thức hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao. Việc hợp thức hóa thị trường đặt cược thể thao còn nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường này, đáp ứng nhu cầu về giải trí của một bộ phận người dân và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước, theo An ninh thủ đô.

Một điểm đáng chú ý nữa là Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thể dục, thể thao đã không quy định bơi là môn thể thao bắt buộc trong chương trình chính khóa mà chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thể dục, thể thao sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.


Xem thêm: Hơn 86% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật An ninh mạng

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN