Thứ năm, 25/04/2024 | 14:44
RSS

Phải thi hành án 600 tỷ đồng nhưng ông Đinh La Thăng chỉ có một phần căn chung cư

Thứ năm, 15/11/2018, 16:04 (GMT+7)

Trong vụ án ông Đinh La Thăng cố ý làm trái, số tiền cần thu hồi theo bản án là trên 800 tỷ đồng, riêng ông Thăng là 600 tỷ đồng nhưng tài sản hiện nay chỉ có 1 nhà chung cư.

Ngày 15/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019. Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết: Điều kiện thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế.

Đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán; tài sản bảo đảm thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng...

Thảo luận tại Hội nghị, ông Lê Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Thi hành án Hà Nội cho biết: Việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn đang gặp khó khăn do số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng trong khi tài sản lại ít.

Theo Cục Thi hành án Hà Nội, trong vụ án ông Đinh La Thăng cố ý làm trái khi đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank, số tiền cần thu nêu trong bản án là trên 800 tỷ đồng, riêng ông Thăng là 600 tỷ đồng. Tuy nhiên tài sản để thu hồi của ông này chỉ còn một căn hộ chung cư song là chung của vợ chồng. Vì thế, việc thi hành án lại phải xác định phân chia như thế nào và chỉ thu được một phần của căn hộ chứ không phải tất cả.

Tòa xử cần nộp 600 tỷ nhưng ông Đinh La Thăng chỉ có một phần căn chung cư
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Internet

Tương tự, tại vụ án liên quan Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank), cơ quan thi hành án phải thu trên 300 triệu cổ phiếu của bị cáo này. Thế nhưng, việc xác định bán cổ phiếu theo phương thức nào thì chưa được thống nhất nên phải mất thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết...

Ông Hồng đề nghị, trong các vụ đại án hình sự về kinh tế, tham nhũng thì các quy định cần chặt chẽ hơn nữa bởi các đối tượng là người có chức vụ khiến vụ việc có tính chất phức tạp hơn các vụ án dân sự thông thường. “Các hành vi tẩu tán tài sản phức tạp hơn, trong khi pháp luật hiện tại ở đâu đó còn chưa hoàn thiện” - ông Hồng phân tích.

Hơn nữa, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu làm tốt công tác ngăn chặn, kê biên, phong tỏa thì cơ hội thu hồi lại tài sản thất thoát sẽ lớn hơn. Thời gian vừa qua, một số vụ việc chưa được xử lý kịp thời nên khả năng thu hồi gặp nhiều khó khăn, số lượng tài sản thu hồi được rất ít.


Xem thêm: Kêu gọi trai làng phục kích, phóng dao khiến 1 người tử vong

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN