Thứ năm, 25/04/2024 | 19:57
RSS

PGS Bùi Hiền tiếp tục công bố phần 2 của "Tiếq Việt"

Thứ ba, 26/12/2017, 09:50 (GMT+7)

Trong khi dư luận chưa hết xôn xao về cải tiến một phần phụ âm "Tiếq Việt", thì PGS Bùi Hiền tiếp tục công bố phần 2 của đề xuất.

PGS Bùi Hiền tiếp tục công bố phần 2 của Tiếq Việt
PGS Bùi Hiền tiếp tục công bố phần 2 của "Tiếq Việt". Ảnh Trí thức trực tuyến 

Trong khi dư luận xôn xao tranh luận về phần một cải tiến phụ âm "Tiếq Việt", PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - vẫn miệt mài hoàn thiện phần thứ hai của đề xuất, theo Tri thức trực tuyến. 

TS Hiền cho biết ông dự định công bố trọn vẹn bản nghiên cứu (gồm 2 phần) vào tháng 3/2018 nhưng sau đó quyết định công bố thông tin sớm đến dư luận.

Tác giả Bùi Hiền thông tin phần thứ nhất đã công bố mới chỉ đề cập cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”.

Trong phần thứ hai này, PGS Bùi Hiền hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của tiếng Việt. Tác giả tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của Tiếng Việt (Hà Nội), từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc "một âm vị - một chữ cái".

Có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là: Số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong Tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng; nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết Tiếng Việt.

Sau khi xác định xong hai hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội. Toàn bảng chữ cái (âm vị) Tiếng Việt (thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị của PGS Bùi Hiền.

PGS Bùi Hiền tiếp tục công bố phần 2 của Tiếq Việt
Bảng chữ cái mới theo cải cách của PGS Bùi Hiền. Ảnh: Quyên Quyên/Tri thức trực tuyến

Bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Những chữ cái in đậm để lưu ý rằng đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ),  w (ngờ), x (khờ), z (dờ).

Theo PGS Bùi Hiền, cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm cho tiếng thủ đô Hà Nội, chứ không tác động vào hệ thống âm vị làm tiếng nói khác đi, dẫn đến ý nghĩa khác đi.

PGS Bùi Hiền cho hay ông đã mất 40 năm nghiên cứu công trình khoa học này. 22 năm trước, khi công trình bước đầu cho ra kết quả, ông nêu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ trên một tạp chí khoa học nhưng không được xem xét. Ông vượt qua quãng thời gian tìm tòi cùng những thời điểm khó khăn để có được văn bản hoàn thiện hôm nay.

Tác giả cho rằng việc cải tiến chữ quốc ngữ của mình hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng 4.0.

Theo báo Người đưa tin, PGS.TS Bùi Hiền nêu ra 4 lợi ích trong việc cải tiến chữ Quốc ngữ như trong đề xuất của mình:

Dễ học, dễ nhớ, dễ đọc, dễ viết, dễ dùng lối viết và đọc chữ cải tiến. Giản hoá tới mức tối đa cách viết, loại bỏ hết phụ âm ghép 2-3 chữ cái (ch, tr, ng, ngh, gh, kh, nh, ph) và các lỗi chính tả (d –gi – r, s – x, ch – tr) hiện đang gặp phải ở mỗi người, nhất là trong công tác biên tập của các nhà xuất bản và báo chí.

“Nạn mù chữ” được giải quyết triệt để chỉ trong vòng 1-2 ngày đối với những người đã biết chữ Quốc ngữ hiện hành. Với học sinh lớp 1 và người dân tộc sẽ rút ngắn được thời gian “vỡ lòng” (biết đọc, biết viết) xuống ít nhất một nửa so với học chữ cũ. 

Chắc chắn không cần phải phát động phong trào “diệt dốt” như xưa, mà chỉ cần hướng dẫn dần dần trên báo chí cách chuyển đổi, cách đọc các chữ cái cũ sang kiểu mới, rồi tổ chức trò chơi, đố vui trong nhà trường, câu lạc bộ… cũng đủ để mọi người nhận biết và quen dần với cách đọc viết cải tiến một cách nhẹ nhàng, thoải mái.

Là công cụ sắc bén hơn, tiện lợi hơn cho công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay: Người nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn, dễ tiếp cận với nền kinh tế, văn hoá, khoa học Việt Nam hơn. Và ngược lại, Việt Nam cũng dễ làm cho bạn bè mau hiểu Việt Nam, chóng có cảm tình với tiếng nói và chữ viết của người Việt hơn.

Tiết kiệm được khoảng 9% thời gian, công sức, tiền của, vật tư, tài nguyên số trong việc xây dựng tất cả các loại văn bản bằng viết tay hoặc gõ bàn phím. Điều này cũng có nghĩa là làm tăng năng suất lao động hàng năm tới 8-9%, làm lợi cho nền kinh tế của cả nước và của từng người.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN