Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:34
RSS

Ông chủ quán "Ốc chửi" chia sẻ bí kíp gia truyền khiến "chửi vẫn chửi, mà đông vẫn đông"

Thứ ba, 27/06/2017, 16:56 (GMT+7)

"Tôi hơi khó tính với những vị khách không biết điều, hay tỏ thái độ xấc xược cho rằng có tiền là mua được tất cả trong khi chỉ đáng tuổi con cháu mình", ông Sỹ chia sẻ.

Quán ốc vừa bán vừa chửi, vừa xua đuổi khách hàng

Đặt chân vào Oanh Ốc lúc 15h20 phút, dù chưa phải là thời điểm "chín" nhưng quán vẫn rất đông khách, và những lời mắng chửi sa sả của chủ quán là ông Sỹ, vẫn chưa 1 phút 1 giây nào ngớt.

Một chị gái bước vào quán và gọi nem chua, lập tức chị này bị "chửi" vì tội chỉ gọi mỗi 5 cái nem chua. Thậm chí ông còn văng những lời tục tĩu như: "Đúng là bọn trẻ ranh, gọi mỗi 5 cái nem mà cũng đòi gọi. Tao *** bán cho chúng mày. Cút!". Song, chị này vẫn cố gắng chờ đợi, chỉ khi nhận được 5 chiếc nem mình đã đặt thì mới hậm hực đi về.

Chưa dừng lại ở đó, một cặp vợ chồng trẻ đi cùng con gái khoảng 2 tuổi và cô em họ, nghe nói đã là khách quen. Tuy nhiên, khi gia đình chị này vì chờ lâu quá nên mới hỏi thì bị ông Sỹ quát lên: "Chưa có" khiến chồng chị này phải thẽ thọt: "Thôi cho cháu xin bát nước ốc". Không đợi được nữa nên gia đình chị này ăn vội ăn vàng rồi đi về. Tuy nhiên khi thanh toán thì ông Sỹ "phán" một câu: "4 người mà ăn được 2 bát ốc, đưa 60 ngàn đây rồi cút nhanh lên đi. Lần sau đừng vác mặt đến nữa, tao *** bán cho đâu"

Oanh Ốc

Khách tới nơi này dường như đã quen với hình ảnh ông Sỹ tay bê ốc miệng thì mắng chửi khách. Ảnh: Giadinh.net

Nghe tiếng mắng chửi, chúng tôi tiếp tục quan sát một bàn khác. Một cặp đôi tuổi khoảng 20 lần đầu đến, có lẽ vì tò mò. Hai người này gọi 1 bát ốc luộc và 1 đĩa xoài dầm. Ông Sỹ hỏi có ăn thêm gì không thì bạn nữ đáp không. Thế rồi, ông tay múc ốc cho khách, miệng mắng: "2 người ăn được 1 bát ốc thì ăn làm *** gì, thôi chúng mày cút đi cho rộng chỗ ngồi. Quán tao không chào đón những loại người như chúng mày".

Sau đó, khi được nhắc nhở, hai bạn trẻ gọi thêm 2 bát nữa nhưng ông Sỹ vẫn luôn tỏ thái độ không hài lòng, hờ hững không quan tâm tới khách. Thậm chí, khi thanh toán hai bạn này có kêu đắt hơn chỗ khác thì ông còn bảo: "Tao nhớ mặt hai đứa chúng mày rồi nhé, lần sau thì đừng có đến đây nữa, tao cút từ ngoài cổng. Nhớ mặt tao và đừng có tới đây nữa, nghe chưa. *** ** cái loại nít ranh, chúng mày tưởng có vài đồng bạc mà to à. Không thích thì đi chỗ khác, đến chỗ tao mà làm loạn à. Đưa tiền đây rồi cút đi, biến ngay cho sạch không khí"...

Đây chỉ là một số trường hợp mà chúng tôi gặp phải khi đến với quán "ốc chửi" có tiếng này. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là mặc dù ông Sỹ chửi khách như thế song người khác vẫn ngồi thưởng thức món ốc như chẳng có gì xảy ra. Có thể thấy, những người đến với nơi này đã quen với cách làm việc của chủ quán.

Đôi lời "nhắn nhủ" của ông chủ quán ốc tới khách hàng

"Bún mắng cháo chửi" đã không còn là gì xa lạ với người dân Hà Nội Những hàng quán có "đặc điểm" ấy, dường như lại trở thành một điều đặc biệt, thu hút khách hàng. 

Ngoài "bún mắng cháo chửi", gần đây, sự xuất hiện của một quán "ốc chửi" ở Thái Hà cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

Oanh ốc

Mặc dù là quán "ốc chửi" nhưng vẫn luôn đông khách. Ảnh: Thời Đại

Những người tới đây thường sẽ phải nghe những lời mắng chửi khá chói tai từ phía ông Sỹ - chủ quán, cấp độ "mắng mỏ" tăng dần đều mỗi khi quán đông. Thậm chí, để thể hiện rõ ràng quan điểm của mình, ông còn "dụng tâm" làm hẳn 1 bài thơ, bày tỏ "tâm sự" của nhà hàng, cũng là quy định cho khách đến ăn.

Quy định của Oanh Ốc

Quy định do ông Sỹ đặt ra. Ảnh: Hà Linh

Quán ốc này có diện tích khá nhỏ hẹp lại thêm rất nhiều những quy định từ việc gửi xe, nói chuyện cho tới việc.... ăn ốc. Theo quy định mà ông Sỹ - chủ quán ốc đưa ra thì những người tới đây phải ăn ít nhất 2 bát ốc trở lên, không xin thêm nước mắm cũng chẳng cho thứ gì.

Quy định của Oanh Ốc do ông Sỹ đặt ra

Mặc dù có khá nhiều quy định song khách vẫn đông như thường. Ảnh: Hà Linh

Mặc những quy định oái oăm hay những giây phút "bốc hỏa" của chủ quán, quán ốc không lúc nào vắng khách, mỗi ngày đón từ 100- 150 lượt khách. 

"Chửi" là để giải tỏa cảm xúc

Quán ốc nhà ông Sỹ có diện tích nhỏ hẹp nằm trên một con ngõ nhỏ ở phố Thái Hà. Theo chia sẻ của ông Sỹ thì gia đình ông bắt đầu kinh doanh món ốc từ năm 1993 tới nay cũng 24 năm, chưa bao giờ hết đông khách.

Thực đơn tuy không phong phú nhưng chất lượng đồ ăn lại được mọi người đánh giá khá cao. Món ốc vặn luộc giá chỉ 25.000 đồng/bát, ốc to hoặc ngao hấp, giá là 35.000 đồng. Bát ốc dọn ra, con nào con nấy đều béo chắc, thơm ngon. Riêng món ốc vặn luộc, chủ quán cẩn thận lựa những con ốc rất đều và khá rảo tay.

Oanh Ốc vẫn đông khách bởi món ốc ở đây khá ngon

Quán vẫn luôn đông khách dù có danh "ốc chửi" gần xa. Ảnh: Thời Đại

Mặc dù lần nào tới đây cũng phải nghe chửi nhưng chị Ngọc Yến (Hoàng Mai) vẫn chỉ thích ăn ở đây. Lý do đơn giản chỉ bởi món ốc ở đây khá ngon, nem rán là tự làm nên vừa đảm bảo lại rất hợp khẩu vị. Bên cạnh đó, nước chấm của quán cũng được rất nhiều thực khách yêu thích vì có vị chua ngọt vừa phải, thơm đậm mùi quất và từng gia vị sả, ớt, lá chanh... đều được để riêng vào từng khay để khách tiện gia giảm.

Theo chia sẻ của chị Yến thì chị là khách quen ở đây. "Mình ăn ở đây cũng hơn 10 năm rồi. Ốc rất vừa miệng, nước chấm chua chua ngọt ngọt hợp khẩu vị của nhiều người. Vì ngon nên quán rất được lòng mọi người mặc dù lần nào tới mình cũng nghe tiếng ông chủ chửi mắng những bàn xung quanh".

Ngọc Yến

Một vị khách quen của quán. Ảnh: Hà Linh

Bên cạnh những khách quen thì còn có những người vì tò mò mà đến. Nổi tiếng với cái danh "ốc chửi" nên rất nhiều người đến đây để được "mục sở thị" những màn chửi của ông Sỹ. 

Nhắc tới chuyện này, ông Sỹ cho biết: "Tôi cũng không muốn chửi hay nặng lời với khách nhưng có rất nhiều người tới mà rất vô ý. Vì nhà nhỏ nên tôi không thuê được người giúp, những lúc đông khách chúng tôi rất bận nên không thể phục vụ cho mọi người hết được. Hơn nữa, 9 người 10 ý tôi không làm sao đáp ứng hết được nên những lúc như vậy mới chửi như một phương thức để giải tỏa những cảm xúc khó chịu", ông Sỹ chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Sỹ không phải ai cũng bị chửi. "Tôi hơi khó tính với những vị khách không biết điều, hay tỏ thái độ xấc xược cho rằng có tiền là mua được tất cả trong khi chỉ đáng tuổi con cháu mình. Còn tất nhiên với những vị khách biết điều, chúng tôi vẫn luôn tôn trọng và phục vụ chu đáo", ông cho biết.

Ông Sỹ với tài đánh đàn violin

Ông Sỹ với những "màn chửi khách" đình đám. Ảnh: Thời Đại

Ngoài ra, một nhân tố thu hút sự chú ý của khách hàng là ông Sỹ biết chơi vi-ô-lông. Những vị khách tới đây rất thích được nghe ông đàn vào mỗi lúc vắng khách. Bỏ qua hình ảnh ông luôn chửi mắng khách hàng khi quán đông thì "ngón" đàn của ông cũng nhận được yêu thích của khách hàng.

Tạm kết

Mặc dù có rất nhiều người tới đây ăn ốc và cũng "hứng chịu" những lời mắng chửi của ông Sỹ. Tuy nhiên, quán ốc vẫn "níu chân" được khách hàng nhờ bí quyết kinh doanh gia truyền. Theo chia sẻ của ông Sỹ thì mặc dù trước năm 1993, nhà ông không kinh doanh quán ốc song món ốc này được làm theo công thức của mẹ ông. "Ốc luộc mẹ tôi rất ngon, bà con hàng xóm ai cũng muốn ăn và tấm tắc khen ngon".

Sau đó, "tôi và vợ học theo công thức của mẹ để mở quán ốc. Ngay từ khi ăn lần đầu, ai cũng khen vừa miệng và hợp khẩu vị. Từ đó, quán ốc ngày nào cũng đông như thế", ông Sỹ chia sẻ thêm.

Cũng bởi hợp vị nên quán ốc này dù chửi vẫn được lòng nhiều khách hàng. Bởi thế, mỗi khi đặt chân tới đây bạn sẽ không cảm thấy lạ khi nhìn thấy hình ảnh chủ thì chửi còn khách thì ăn. Và dường như ưu thế của món ốc ở nơi đây có thể xoa dịu đi sự khó chịu mà ông Sỹ mang lại. 

Nguyễn Quỳnh
Theo Đời sống Plus/GĐVN