Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:50
RSS

Những kiến thức từ A đến Z về quy trình thông tắc vòi trứng trong điều trị vô sinh, hiếm muộn

Thứ năm, 29/03/2018, 09:59 (GMT+7)

Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, tắc vòi trứng có thể gây hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới. Dưới đây là những kiến thức cơ bản về quy trình thông tắc vòi trứng.

Tắc vòi trứng là gì?

Vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu hở mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung. Noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành trứng đã thụ tinh, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ.

Tắc vòi trứng là tình trạng vòi trứng của chị em bị chít hẹp hoặc dính gây tắc nghẽn, cản trở con đường di chuyển của tinh trùng vào gặp trứng và trứng di chuyển sau khi phóng noãn từ buồng trứng. Bệnh có thể gây hiếm muộn, vô sinh ở nữ giới nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng tắc vòi trứng?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc vòi trứng. Nhưng tựu chung lại có một số nguyên nhân cơ bản sau:

Nguyên nhân bẩm sinh: Vòi trứng bị chít hẹp có thể là do bẩm sinh (gây thiếu hụt cả một phần hay cả vòi trứng), tuy nhiên trường hợp này rất hiếm.

Nguyên nhân do nhiễm khuẩn (phổ biến nhất là vi khuẩn lậu): Tắc vòi trứng xảy ra do nhiễm khuẩn, mà nguyên nhân gây tắc vòi trứng được xác định do viêm âm đạo, viêm cổ tử cung lan ngược lên trên gây viễm nhiễm phần phụ hoặc do lạc nội mạc tử cung. Bệnh tắc vòi trứng có thể gặp ở người, trong đó các đối tượng sau thường dễ bị tắc vòi trứng hơn cả:

- Phụ nữ có tiền sử nạo hút thai.

- Quan hệ tình dục không an toàn.

- Vệ sinh vùng kín kém.

- Đặt dụng cụ tử cung tránh thai không đúng cách.…

Tắc vòi trứng gây ra hậu quả gì?

Khi vòi trứng bị tắc sẽ cản trở tinh trùng và trứng gặp nhau, có thể dẫn tới hiện tượng chửa ngoài tử cung hoặc khó thụ thai, hiếm muộn, thậm chí gây vô sinh.

Viêm tắc vòi trứng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chửa ngoài tử cung do khi bị tắc vòi trứng, trứng không thể di chuyển về tử cung để làm tổ mà phát triển ngay tại vòi trứng (trường hợp thường gặp nhất), hoặc bám phía trên buồng trứng, thậm chí nằm trong ổ bụng hay nằm tại cổ tử cung, ở chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung… Khi thai vỡ sẽ gây mất máu nhiều và nhanh, có thể gây tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này.

Dấu hiệu cảnh báo bạn bị tắc vòi trứng

Việc sớm phát hiện tắc vòi trứng và chữa trị kịp thời là rất quan trọng. Nó sẽ giúp cơ hội thụ thai của bạn tăng lên đáng kể. Nếu bị tắc vòi trứng, một số triệu chứng mà chị em có thể gặp bao gồm:

- Kinh nguyệt không đều: Các vấn đề ở vòi trứng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, do đó sẽ tác động đến chu kì kinh nguyệt. Buồng trứng không khỏe mạnh sẽ gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, ví dụ kinh nguyệt nhanh chậm thất thường, máu kinh có tháng rất nhiều có tháng lại rất ít, thậm chí có màu đen, hôi... 

- Khó chịu ở bụng: Tắc vòi trứng có thể gây ra hiện tượng đau lưng, đau bụng với nhiều cấp độ từ âm ỉ đến quằn quại... và có thể kèm theo hiện tượng mệt mỏi, đi tiểu nhiều...

- Triệu chứng khác: Tăng dịch tiết âm đạo, đau khi giao hợp, rối loạn chức năng tiêu hóa, mệt mỏi... cũng có thể là triệu chứng của tắc vòi trứng. 

- Khó thụ thai:  Đây vừa là dấu hiệu nhưng cũng vừa là hậu quả của tắc vòi trứng. Bởi lẽ ống dẫn trứng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển tinh trùng, thụ tinh với trứng và vận chuyển trứng thụ tinh đến tử cung. Khi ống dẫn trứng bị tắc, hoặc bị tổn thương thì chức năng này sẽ bị liên lụy. Hơn nữa, vòi trứng bị viêm tắc cũng có thể ảnh hưởng đến cơ chế rụng trứng, làm cho khả năng thụ thai thành công giảm đi. Về lâu dài, nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ là hệ quả tất yếu.

Ngoài ra, những bất thường như: Khí hư ra nhiều, đau rát khi quan hệ tình dục, cơ thể thường xuyên mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chức năng tiêu hóa bị trục trặc,… cũng là những dấu hiệu tắc vòi trứng nên lưu ý.

Có những cách nào điều trị tắc vòi trứng, ống dẫn trứng hiệu quả?

- Nội khoa: Trường hợp tắc vòi trứng nhẹ, chị em có thể điều trị nội khoa tại nhà bằng các thuốc kháng sinh giúp tiêu viêm, thông tắc vùng bị tắc.

- Ngoại khoa: Phương pháp này áp dụng khi việc điều trị bằng thuốc tại nhà không mang lại hiệu quả cho người bệnh. Có nhiều cách để chữa tắc vòi trứng như sau:

  + Dùng bơm hơi để thông tắc vòi trứng: Đây là biện pháp áp dụng trong những trường hợp tắc vòi trứng nhẹ. Tuy nhiên phương pháp này chỉ chữa bệnh tại chỗ mà không chữa được tận gốc nguyên nhân nên tình trạng tắc vòi trứng có thể quay trở lại sau một thời gian được thông.

  + Phẫu thuật nội soi ống dẫn trứng: Đây là phương pháp các bác sỹ sẽ đặt dụng cụ nội soi vào buồng tử cung, sau đó sẽ đưa một dụng cụ chuyên khoa vào vòi trứng để đẩy những chất gây tắc vòi trứng ra bên ngoài, tách những chỗ vòi trứng bị dính. Phương pháp này có tỷ lệ thành công khá cao.

  + Phẫu thuật cắt và nối ống dẫn trứng: Là phương pháp áp dụng khi vòi trứng bị tắc, chít hẹp ở một đoạn và không có cách gì để thông chỗ tắc này. Các bác sỹ sẽ tiến hành cắt bỏ đoạn này đi, rồi nối hai đoạn không bị tắc lại với nhau, nếu thành công trứng sẽ di chuyển và thụ tinh như bình thường.

  + Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng: Là phương pháp chỉ sử dụng khi các biện pháp thông tắc không mang lại hiệu quả, vòi trứng, buồng trứng bị tắc quá nặng, dịch ứ nhiều, không còn hi vọng có thể thụ thai tự nhiên. Thông thường khi chị em đồng ý làm thụ tinh nhân tạo các bác sỹ khuyên nên cắt ống dẫn trứng vì để lại ống dẫn trứng sẽ khiến quá trình thụ tinh nhân tạo không đặt tỷ lệ thành công cao.

- Đông y: Ngoài việc áp dụng các công nghệ hiện đại của y học để điều trị tắc vòi trứng, chị em có thể sử dụng thuốc đông y. Theo đông y tắc vòi trứng là do tình trạng khí huyết trì trệ nên các bài thuốc sẽ giúp điều hòa khí huyết, từ đó các dịch gây tắc sẽ được thông. Đây là phương pháp đã mang lại thành công cho khá nhiều các cặp gia đình bị hiếm muộn.

Các bước trong quy trình thông tắc vòi trứng

Thông tắc vòi trứng được chia ra làm 2 trường hợp: trường hợp thứ nhất, tắc vòi trứng ở đoạn gần – áp dụng phẫu thuật nội soi để thông tắc vòi trứng. Trường hợp thứ 2, dính vòi trứng do viêm nhiễm phụ khoa gây ra – phẫu thuật nội soi gỡ dính.

Các bước tiến hành như sau:

Bước 1: Bác sĩ tiến hành khám lâm sàng và cho bệnh nhân siêu âm tử cung vòi trứng để chẩn đoán hình ảnh, vị trí bị tắc nghẽn.

Bước 2: Tiến hành gây tê cục bộ

Bước 3: Bác sĩ thực hiện mở 2 đường nhỏ trên vùng bụng dưới rồi đưa dụng cụ có gắn thiết bị nội soi để thực hiện thông tắc vòi trứng.

Nếu tắc vòi trứng đoạn gần: Phương pháp này thường thực hiện ở những trường hợp ống dẫn trứng tắc đoạn gần, chiếm tỉ lệ 10-25% bệnh lý ống dẫn trứng. Bác sĩ sẽ thông ống dẫn trứng bằng cách đặt bộ phẫu thuật nội soi vào buồng tử cung sau đó sẽ đưa một cathater vào lỗ ống dẫn trứng giúp đẩy những loại bỏ những mẫu mô vụn cũng như tách những chỗ dính trong lòng ống dẫn trứng.

Trường hợp dính vòi trứng: Khi ống dẫn trứng bị dính do viêm nhiễm gây ra sẽ làm tăng tỉ lệ thai ngoài tử cung thì cần phẫu thuật cắt nong dính ống dẫn trứng để đảm bảo tinh trùng và trứng có thể lưu thông bình thường.

Bước 4: Đóng vết mổ và sát trùng

Bước 5: Đưa bệnh nhân về phòng nghỉ dưỡng


Xem thêm Mảng tối đáng sợ của đứa 'trẻ ngoan': Lời cảnh tỉnh những cha mẹ Việt

Như Ngọc (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN