Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:36
RSS

Những dự án thua lỗ nghìn tỷ đưa ông Đinh La Thăng vào vòng lao lý

Thứ bảy, 09/12/2017, 12:24 (GMT+7)

Thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank, sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2... khiến ông Đinh La Thăng vào vòng lao lý.

Những dự án thua lỗ nghìn tỷ đưa ông Đinh La Thăng vào vòng lao lý
Những dự án thua lỗ nghìn tỷ đưa ông Đinh La Thăng vào vòng lao lý

Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Trong báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung đã nhắc đến những dự án đầu tư thua lỗ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2011 khi ông Đinh La Thăng giữ vai trò Chủ tịch. Cùng nhìn lại những dự án thua lỗ dưới thời ông Đinh La Thăng.

Gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN

Phi vụ góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank như ngọn lửa thổi bùng những sai phạm tại PVN cũng như OceanBank, đẩy nhiều lãnh đạo, cán bộ dầu khí và ngân hàng rơi vào cảnh tù tội.

Ngày 29/9, sau 1 tháng xét xử và nghị án, TAND TP.Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, tử hình về 3 tội: cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản; tuyên Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank, tù chung thân về 4 tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản, theo Thanh niên.

HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những người đề xuất vốn góp, những người liên quan chỉ đạo gửi tiền của PVN và các tổng công ty, công ty con vào OceanBank dẫn đến việc PVN bị mất trắng 800 tỉ đồng.

Tại tòa, Nguyễn Xuân Sơn khai mình không có thẩm quyền chỉ đạo các công ty con gửi tiền vào OceanBank nên HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những người đề xuất vốn góp, những người liên quan chỉ đạo gửi tiền của PVN và các tổng công ty, công ty con vào OceanBank.

Một chi tiết đáng lưu ý, luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, đã chỉ ra nếu không có chủ trương, quyết định từ “cấp trên”, Sơn cũng không dám nhận hết 246 tỉ đồng và chi chăm sóc lãi ngoài. Luật sư Tâm cũng đã trưng ra cả Văn bản số 6934, ngày 18/9/2008, do Chủ tịch HĐTV PVN lúc đó là ông Đinh La Thăng ký, yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank. Ông Thăng thậm chí còn đốc thúc các đơn vị phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về tập đoàn trước ngày 15/10/2010.

Sai phạm tại Nhiệt điện Thái Bình 2

Ông Đinh La Thăng cũng bị điều tra vì liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (điều 278 bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) liên quan dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC, hồi cuối tháng 9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra thông báo về việc thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng của PVN. 

Ngoài Lê Đình Mậu còn có Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC. Cả 4 bị can trên có liên quan sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án này.

Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra Ban Thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.

Tính đến hết tháng 6/2013, dưới thời Trịnh Xuân Thanh (Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC năm 2009), tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của PVC cực kỳ khó khăn.

Tổng doanh thu của riêng công ty mẹ chỉ vỏn vẹn hơn 510 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/6/2013 lên tới hơn 4.212 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng.

Tính đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 12 đối tượng về hành vi Cố ý làm trái quy định... và tham ô tài sản, liên quan đến vụ thua lỗ và thất thoát gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Dự án Nhà máy Xơ Đình Vũ nghìn tỷ “đắp chiếu”

Một loạt dự án nghìn tỷ được phê duyệt dưới thời ông Đinh La Thăng làm lãnh đạo PVN đến nay phải lâm cảnh thua lỗ, đắp chiếu, dừng hoạt động, có dự án đầu tư dở dang. Cụ thể Ủy ban kiểm tra Trung ương điểm mặt dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng và các dự án nhiên liệu sinh học, báo Công Lý đưa tin.

Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng được đầu tư năm 2008. Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ chạy thử đến khi chính thức hoạt động đều liên tục lỗ.

Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Tổng số lỗ trong 3 năm là 1.472 tỷ đồng. Còn tổng số lỗ tính đến ngày 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải 'đắp chiếu', đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Việc thua lỗ tại dự án này có phần trách nhiệm của Vũ Đình Duy – người tự ý đi nước ngoài vào cuối năm ngoái, đến nay vẫn mất hút. Ông Vũ Đình Duy được giao trọng trách là Tổng giám đốc từ tháng 7/2009.

Đến tháng 2/2014 Vũ Đình Duy rời chức vụ này và được bổ nhiệm ở nhiều chức vụ khác, để lại nhà máy 7.000 tỷ nằm chết dí vì thua lỗ.

Loạt dự án nhiên liệu sinh học dang dở

Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đầu tư dở dang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” rất nhiều dự án. Ngoài dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, 3 dự án nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn là ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước.

Mỗi dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, cái thì dở dang, cái thì đang “chết lâm sàng”. Từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền gồm: Nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi và tại Bình Phước.

Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng.

Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận định: Cả 3 dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại.

"Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11.2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả", Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN