Thứ năm, 28/03/2024 | 23:47
RSS

Những câu chuyện cười ra nước mắt ở SEA Games 29: Khi nào ao làng hết trũng?

Thứ tư, 30/08/2017, 10:32 (GMT+7)

Có lẽ chưa có kì SEA Games nào mà những câu chuyện về xử ép, gian lận, thiên vị để giành HCV lại xảy ra nhiều như kì đại hội thứ 29 ở Malaysia lần này.

Nhảy cao thua vẫn giành HCV

Tối 24/8, Dương Thị Việt Anh đã mang về tấm HCV cho TTVN ở nội dung nhảy cao nữ. Vì nội dung đã diễn ra trong tối muộn nên tới sáng hôm sau BTC mới tổ chức trao huy chương cho Việt Anh.

Tuy nhiên tới sáng 25/8, bất ngờ xảy ra khi Suat Li Michelle, VĐV đã có thành tích kém hơn so với Dương Thị Việt Anh ở lượt đấu cuối cũng được công nhận giành HCV. Cô sau đó cùng với VĐV Việt Nam đứng lên bục trao giải nhưng đã khóc nức nở. Bản thân Việt Anh sau đó cũng khóc khi chia sẻ với phóng viên.

VĐV Singapore vẫn giành HCV SEA Games 29 dù thua VĐV Việt Nam. Ảnh: VNE

VĐV Singapore vẫn giành HCV SEA Games 29 dù thua VĐV Việt Nam. Ảnh: VNE

Trước đó, trong phần thi chính, Việt Anh và Suat Li Michelle cùng đạt thành tích 1m83. Các trọng tài yêu cầu hai vận động viên thực hiện “cú nhảy penalty” để phân định thắng thua và Việt Anh là người thắng cuộc trong phần nhảy thêm này.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc phần thi, BTC SEA Games đã đưa ra đề nghị với đoàn Việt Nam về việc trao HCV cho cả 2 thí sinh. Đoàn Việt Nam phản đối kịch liệt đề nghị này nhưng không được chấp nhận.

Đi đường tắt giành HCV

Ở nội dung đua xe đạp tính giờ đồng đội, Thái Lan cán đích và bắt đầu ăn mừng thì nhận ra rằng Malaysia đã về đích trước đó 18 giây.

Các CĐV xe đạp của Thái Lan không thể hiểu tại sao họ lại thất bại. Khi còn cách đích chừng 10 km, họ khẳng định vị trí dẫn đầu với khoảng sáu giây nhanh hơn đội đứng sau là Việt Nam. Nhưng sau khi hoàn tất lộ trình dài 51 km sau 1 giờ 01 phút 56 giây, họ mới vỡ lẽ rằng Malaysia đã về đích trước, bằng một cách bí ẩn nào đó.

Tờ Thai Rath cho hay VĐV Thái Lan khi cán đích đã ăn mừng vì nghĩ rằng Thái Lan đã đoạt HC vàng. Bởi lẽ, đối thủ nguy hiểm nhất với họ - Việt Nam, chỉ về đích thứ hai. Việc Malaysia cán đích nhanh hơn Thái Lan tới 18 giây là một cú sốc lớn.

Sở dĩ Malaysia làm được điều xuất thần như trên là bởi họ đã được đi đường tắt, trong khi hai đội còn lại vẫn đi theo đường của xe dẫn đường. Tuy nhiên Thái Lan không thể kháng cáo trong trường hợp này, bởi cuộc đua không được ghi hình.

Ngất xỉu vẫn giành HCV

Chuyện xử ép ở SEA Games đã không còn lạ lẫm. Ảnh: VNE

Chuyện xử ép ở SEA Games đã không còn lạ lẫm. Ảnh: VNE

Razak Bin Ghazali phải rời sân bằng cáng sau khi trúng đòn, nhưng được xử thắng trận chung kết với võ sĩ Thái Lan Pornteb Poolkaew. Tình huống diễn ra ở chung kết pencak silat hạng 60-65kg nam. Khi đang dẫn 3-1 ở hiệp hai, võ sĩ chủ nhà trúng đòn của Pornteb và nằm lăn ra sàn.

Các bác sĩ của Malaysia nhanh chóng vào sân chăm sóc, trong khi ban huấn luyện đội silat Thái Lan sốt ruột ngồi chờ, nhìn đồng hồ. Bin Ghazali không thể tiếp tục thi đấu, được cáng khỏi thảm đấu. Trọng tài sau đó tuyên bố xử Poolkaew của Thái Lan thua trận vì làm chấn thương đối thủ.

Giành HCV đi bộ nhờ chạy

Đi bộ Việt Nam bật khóc nhìn đội bạn chạy lấy HCV. Ảnh: CAND

Chiều ngày 23/8, các khán giả theo nội cuộc tranh tài ở nội dung đi bộ 10.000m chắc chắn sẽ thấy VĐV nước chủ nhà Malaysia Elena Gohling Yin gần như đã chạy trong vòng đi cuối.

Theo quy định tại môn này, VĐV tham dự không được để hai chân đều rời mặt đất. Thế nhưng ở vòng đi cuối khi đang bị Phan Thị Bích Hà dẫn trước Gohling Yin đã tung những bước chạy mà có lúc hai chân cô đều rời mặt đất. Không chỉ ở vòng cuối mà VĐV chủ nhà đã vi phạm quy định trên ngay ở vòng đầu.

Phan Thị Bích Hà thi đấu rất nỗ lực khi cô liên tục dẫn đầu ở bốn vòng áp chót nhưng rõ ràng một người đi bộ thì không thể nhanh hơn đi chạy, cô về đích thứ hai với thành tích 52 phút 27 giây 78.

Trực tiếp: SEA Games 29 ngày 30/08/2017. Nguồn: VTC

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN