Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:48
RSS

Những bí ẩn chưa có lời giải về lăng mộ của Gia Cát Lượng

Thứ tư, 01/11/2017, 13:30 (GMT+7)

Là quân sự đại tài nhà Thục Hán, giúp hai cha con Lưu Bị trị quốc, an dân, xong nơi an táng thật của ông ở đâu vẫn khiến giới nghiên cứu đi vào bế tắc.

Gia Cát Lượng (181 – 234) tự là Khổng Minh, hiệu ngọa long tiên sinh là người góp công lớn trong việc giúp Lưu Bị trở thành một thế lực lớn thời Tam Quốc và mai này là vua của nhà Thục Hán. Tuy vậy, hàng ngàn năm sau khi ông mất, hậu thế vẫn bối rối trong việc tìm ra lăng mộ của nhà quân sự thiên tài này.

Giả thuyết thứ nhất - Núi Định Quân

Mọi người thường cho rằng, Gia Cát Lượng sau khi mất được chôn ở núi Định Quân, vì điều này phù hợp với miêu tả của La Quán Trung trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa. Thậm chí nhiều người còn đồn thổi Gia Cát Lượng đã tính rất kỹ để khi ông được được chôn ở núi Định Quân, hậu thế vẫn không thể tìm ra được mộ của ông.

Theo Tam Quốc diễn nghĩa, trước khi nhắm mắt, ông dặn dò, khi chôn ông chỉ cần có chín người, tám người khiêng quan, một người đốt lửa, sau khi xong việc thì trả công cho họ tám lạng bạc. Tuy nhiên, chỉ có 8 lượng bạc thì phân chia cho 9 người như thế nào cho đủ?

Gia Cát Lượng quân sư đại tài nhà Thục Hán

Gia Cát Lượng quân sư đại tài nhà Thục Hán. Ảnh: Internet

Trong lúc 8 người kia đang bàn bạc thì người châm lửa ở một bên vừa làm cơm vừa tính toán. Anh ta nhận thấy số bạc này không dễ chia, nếu xui xẻo có lẽ mình không có phần, chi bằng hãy hạ độc thủ với họ và toàn bộ số bạc này sẽ thuộc về mình. Thế là người đốt lửa bèn tìm thuốc độc rồi cho vào trong nồi, chờ 8 người kia trở lại ăn uống.

Một lúc sau 8 người kia xong việc, họ đã bàn trước cùng nhau, vừa quay ra liền hợp lực đánh chết người đốt lửa. Nhưng sau khi bọn họ ăn uống no say xong, trong lúc đang chuẩn bị chia bạc thì thuốc độc cũng vừa ngấm khiến không ai thoát khỏi cái chết. Vì thế ngày nay không còn ai biết mộ của Gia Cát Lượng ở đâu.

Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu, đây chỉ là truyền thuyết. Và thực chất mộ của Gia Cát Lượng chỉ là mộ giả, do người đời sau xây lên. Do vậy, mộ của quân sư Gia Cát Lượng hoàn toàn không nằm trên ngọn núi này.

Giả thuyết thứ hai - nơi rừng sâu nước độc

Tương truyền, sau khi lập đàn giải hạn bất thành, bệnh của Gia Cát Lượng ngày càng nặng. Ông biết mình khó qua khỏi nên, trước lúc lâm chung ông dặn dò Lưu Thiện sau khi cho thi thể ông nhập quan thì nhờ 4 binh sĩ khiêng đi về phía nam, đến chỗ nào mà gậy bị gãy hoặc dây bị đứt thì chôn ông ở đấy.

Thế rồi Lưu Thiện lệnh cho 4 binh sĩ cường tráng khiêng quan tài Gia Cát Lượng đi về hướng nam. Bốn người khiêng một ngày một đêm, cuối cùng sức lực cạn kiệt nhưng cây đòn vẫn chưa gãy, thừng cũng không đứt. Họ liền bí mật bàn với nhau.

Cát Lượng quân sư nổi tiếng thời Tam Quốc
Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng . Ảnh minh họa

"Thừa tướng đã chết, triều đình phái chúng ta khiêng quan tài vào nơi rừng hoang núi sâu, đến nhân viên đi hộ tống cũng không có ai, chúng ta vì ai mà phải vất vả thế này, hãy cứ cho chôn ở đây cho xong đi!".

Bàn xong, họ liền đào hố chôn Gia Cát Lượng. Sau khi trở về họ bẩm báo lại rằng đã chôn Thừa tướng như dặn dò xong rồi. Lưu Thiện nghe bẩm báo thì thấy không hợp lý, băn khoăn tại sao cây đòn gãy và thừng đứt sớm thế? Thế là liền cho bắt bốn tên lính thẩm vấn.

Bốn tên lính không chịu nổi hành hạ thể xác đành khai nhận. Lưu Thiện nghe xong thì phẫn nộ, phán tội khi quân rồi cho chém đầu. Nhưng cũng vì thế mà không ai còn biết mộ Gia Cát Lượng ở đâu nữa.

Gia Cát Lượng "mắng chết" Tư đồ Vương Lãng. Nguồn: Tam Quốc

Nam Phong
Theo Đời sống Plus/GĐVN