Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:22
RSS

Những bệnh mắc phải do nhiễm vi khuẩn E.coli

Thứ năm, 28/09/2017, 10:44 (GMT+7)

Vi khuẩn E.coli có thể gây nên những bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Hiểu biết về vi khuẩn này cùng cách phòng ngừa sẽ giúp bạn tránh được nhiều bệnh tật.

Vi khuẩn E.coli nhìn qua kính hiển vi

Vi khuẩn E.coli nhìn qua kính hiển vi. Ảnh: Internet

Trước hết, phải nói rằng, E. coli là nhóm vi khuẩn hiếu khí sống trong đường tiêu hóa của người và động vật; nó cũng có chức năng quan trọng trong sự sống của con người như: ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiêu hóa, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể, sản xuất các chất có lợi cho cơ thể, giúp chuyển hóa các chất đường.

Tuy vậy, vì lý do nào đó mà chúng bị lạc vào chỗ khác ngoài hệ tiêu hóa thì có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng.

Nhiều bệnh có thể mắc phải từ vi khuẩn E.coli 

Giá đỗ trồng ở Đức nhiễm khuẩn E.coli chủng mới

Giá đỗ trồng ở một trang trại thuộc miền Bắc nước Đức bị nhiễm vi khuẩn E.coli chủng mới. Ảnh: SKĐS

Vi khuẩn E. coli có thể gây bệnh nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng máu, viêm màng não… Ngoài ra, có một ít loài E. coli có thể gây bệnh do chúng đã tiếp nhận các khả năng gây bệnh từ những vi khuẩn khác. Đó là các loại E. coli gây bệnh đường ruột, trong đó nhóm cực kỳ nguy hiểm là nhóm E. coli gây tiêu chảy ra máu (viêm đại tràng xuất huyết), viết tắt theo tiếng Anh là EHEC (enterohemorrhagic Escherichia coli).

Các chủng EHEC có thể gây bệnh tiêu ra máu dẫn đến tán huyết (vỡ hồng cầu) và suy thận chết người.

Bệnh tiêu chảy xuất huyết đường ruột do E.coli có thể diễn biến từ thể nhẹ (phân không có máu hoặc ít máu) đến thể nặng (phân toàn máu nhưng không chứa bạch cầu).

Theo các chuyên gia dịch tễ, nhóm bệnh do E.coli gây tiêu chảy xuất huyết đường ruột (EHEC) đã được biết từ năm 1982. Một số chủng E.coli trong nhóm EHEC, trong đó có E.Coli O157:H7 có khả năng tiết ra độc tố Shiga được xếp vào nhóm các vi khuẩn E.Coli sản xuất độc tố Shiga (STEC)

Khi nhiễm chủng STEC có thể gây ra hội chứng tan máu suy thận cấp, và đây là căn nguyên chính gây tử vong ở người bệnh.

Bệnh cảnh của hội chứng tan máu suy thận cấp được ghi nhận cả ở người lớn và trẻ em với biểu hiện thiếu máu tan máu, giảm tiểu cầu và suy thận cấp tính, tăng urê huyết; có thể kèm theo các rối loạn thần kinh hoặc sốt.

Phòng nhiễm E.coli qua đường tiêu hóa

Do vi khuẩn này gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa nên để phòng nhiễm, mọi người cần ăn chín, uống sôi; đặc biệt thịt gia súc, gia cầm phải được nấu chín kỹ, thường xuyên rửa tay - nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Nên rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn E.coli

Mọi người nên thường xuyên rửa tay để tránh nhiễm khuẩn E.coli. Ảnh minh họa: Internet

Các loại rau quả cũng phải được rửa sạch trước khi ăn hoặc chế biến.

Sau khi tiếp xúc với thịt sống, phải rửa tay xà phòng. Các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt, nồi niêu cũng phải luôn sạch sẽ để phòng nhiễm khuẩn.

Do E.coli còn lây truyền qua đường nước thông qua tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Vì vậy, các gia đình nên chú ý cả đến vấn đề nguồn nước, vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi đi bơi hoặc đến các nơi công cộng.

 

 

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN