Thứ bảy, 20/04/2024 | 05:53
RSS

Những bác sĩ tài năng đưa y học Việt Nam vươn tầm quốc tế

Thứ ba, 27/02/2018, 06:30 (GMT+7)

Những năm qua, y học Việt Nam đã có nhiều bước tiến vươn tầm quốc tế nhờ những cố gắng sáng tạo, cải tiến y khoa không ngừng nghỉ của các bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Trần Ngọc Lương, Lê Thị Luân,...

PGS.TS Trần Ngọc Lương, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, cố PGS.TS Lê Thị Luân và rất nhiều tên tuổi khác, là niềm tự hào của y học Việt Nam, với những cố gắng không ngừng nghỉ, nhằm sáng tạo và cải tiến phương pháp điều trị, phẫu thuật. Vượt lên những hạn chế về trang thiết bị trong nước, họ đã góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ y khoa quốc tế  

y học Việt Nam, vươn tầm quốc tế
Bác sĩ Trần Ngọc Lương, cha đẻ của một kỹ thuật mổ nội soi điều trị bệnh lý tuyến giáp được nhiều nước học hỏi

1. PGS. TS Trần Ngọc Lương, đưa kỹ thuật mổ nội soi ở Việt Nam sánh tầm quốc tế

PGS. TS Trần Ngọc Lương hiện là Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đã góp phần ghi danh Việt Nam lên bản đồ y học thế giới nhờ công trình “Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp”, hay còn gọi là cách mổ nội soi tuyến giáp "Trần Ngọc Lương".

Thành quả nghiên cứu, tìm tòi của bác sĩ Lương đã giúp cho kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp trở nên đơn giản, nhanh, an toàn và giá rẻ, đảm bảo thẩm mỹ bởi tránh được các vết sẹo dài. 

Kỹ thuật mổ này đến nay đã trở thành niềm tự hào của nền y học Việt Nam, cách mổ nội soi tuyến giáp của bác sĩ Lương nổi tiếng đến mức, khi bệnh nhân người Việt sang Xin-ga-po để mổ tuyến giáp, bác sĩ tại đây tư vấn nên về Việt Nam gặp “Dr Trần Ngọc Lương”, vì chính ông dạy họ phương pháp đó. 

Từ năm 2009, hàng trăm giáo sư, bác sĩ đến từ các nước như: Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, A rập Xê-út, Pa-ki-xtan, Ô-man, Bồ Đào Nha, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a... đã đến Việt Nam để học kỹ thuật mổ nội soi của "Dr Lương".

Tại Việt Nam, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công hơn 5000 ca bướu cổ, nhờ kỹ thuật mổ nội soi ưu việt do bác sĩ Trần Ngọc Lương sáng tạo, với chi phí chỉ khoảng 400 USD so với thế giới từ 7.000 - 10.000 USD.

y học Việt Nam, vươn tầm quốc tế
Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm là người phát triển kỹ thuật mổ nội soi để mổ thành công cho hàng nghìn bệnh nhân

2. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - tinh thần cải tiến kỹ thuật mổ nội soi được quốc tế ghi nhận

Sau nhiều năm đăng tải, công trình nghiên cứu về “Điều trị teo đường mật bằng phẫu thuật nội soi với một số cải tiến quan trọng” của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc BV Nhi Trung ương và hiện là TGĐ BV ĐK QT Vinmec trên Tạp chí phẫu thuật nhi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của giới học giả quốc tế. Bài báo đã đạt được kỷ lục với khoảng 7.500 lượt xem và hơn 1.200 lượt trích dẫn.

BS Nguyễn Thanh Liêm đã góp phần đưa tiếng tăm của nội soi Việt Nam tới bạn bè quốc tế, nhờ hàng loạt công trình cải tiến kỹ thuật nội soi của ông, trong việc chữa phình đại tràng bẩm sinh, thoát vị cơ hoành,...

Năm 1997, với kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh, GS Liêm đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ (Singapore tiến hành từ năm 1999). Thế giới cũng rất kinh ngạc trước con số gần 70% trường hợp nội soi chữa bệnh thoát vị cơ hoành là trẻ sơ sinh, tỉ lệ thành công lên đến 90% của Việt Nam, trong khi có nhiều nước không khuyến khích mổ ở trẻ sơ sinh.

y học Việt Nam, vươn tầm quốc tế
PGS.TS Lê Thị Luân là người đưa Việt Nam trở thành một trong bốn nước trên thế giới tự sản xuất đươc vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế.

3. Cố PGS.TS Lê Thị Luân - Nhà khoa học nữ sáng chế "vắc xin triệu đô"

Cố PGS.TS Lê Thị Luân, công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là chủ nhiệm công trình “Chế tạo hệ thống chủng giống virus vắc xin Rota và sản xuất vắc xin Rotavin-M1 tại Việt Nam”.

Suốt 16 năm nghiên cứu, PGS Luân cùng đồng nghiệp đã tạo được một hệ thống chủng giống virus Rota, nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vắc xin Rota, giúp Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu cho sản xuất vắc xin cập nhật quốc tế, không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại.

Trên thị trường, giá bán vắcxin Rota do Việt Nam sản xuất chỉ bằng một phần ba giá nhập ngoại. Đây không chỉ là thành công vang dội PGS.TS Lê Thị Luân  mà là thành tựu to lớn ngành y học. 

Việt Nam trở nước thứ hai  của Châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế.

Theo tính toán, với thành công của PGS Luân cùng các đồng sự, nước ta giảm 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota. Tổng cộng, mỗi năm nước ta sẽ tiết kiệm được 5,3 triệu đô la Mỹ nhờ vắc xin của PGS Luân.

PGS.TS Lê Thị Luân qua đời ngày 7/8/2015 bà đã được trao giải thưởng danh giá Kovalevskaia cho các nữ nhà khoa học xuất sắc nhất.

Nhật Anh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN